Với quan niệm, “Cán bộ là tướng của đoàn thể”, “là gốc của mọi công việc”; “là nhịp cầu nối liền giữa Đảng, Chính phủ với nhân dân”, “là sợi dây chuyền của bộ máy”, “là tiền vốn của đoàn thể”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới việc xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên một cách toàn diện về bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, năng lực và phong cách công tác. Chăm lo giáo dục, rèn luyện cán bộ đảng viên về ý thức tự giác tu dưỡng rèn luyện bản thân, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi người phải thực hiện nghiêm khắc với chính mình.
HIỂU ĐÚNG VỀ THỰC HIỆN NGHIÊM KHẮC VỚI CHÍNH MÌNH
Thực hiện nghiêm khắc với chính mình đòi hỏi người cán bộ, đảng viên “luôn luôn tự kiểm điểm, tự phê bình, những lời mình đã nói, những việc mình đã làm, để phát triển điều hay của mình, sửa đổi khuyết điểm của mình”(1). Đó là quá trình tự quan sát, theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiểm điểm về lời nói và hoạt động của người đảng viên trong mối quan hệ với công việc, với người khác và với chính mình. Đó cũng chính là năng lực tự kiểm tra, giám sát trong thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương, trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị và trong việc thực hiện “bổn phận” của người đảng viên.
Nghiêm khắc với chính mình thể hiện ý thức giác ngộ cao của người cán bộ, đảng viên khi đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hồ Chí Minh cho rằng, bản thân người đảng viên khi vào Đảng là đã tự nguyện chấp nhận hy sinh lợi ích, thậm chí hy sinh cả tính mạng vì lợi ích của Đảng, của dân tộc và của nhân dân. “Người đảng viên, người cán bộ tốt muốn trở nên người cách mạng chân chính, không có gì là khó cả. Điều đó hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư”(2). Nghiêm khắc với chính mình là tiền đề cho những nỗ lực của cá nhân nhằm xây dựng một tổ chức đảng chân chính, giống như xây dựng nền gốc vững bền cho ngôi nhà của mỗi người.
Nghiêm khắc với chính mình là yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên bởi “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng”, nghiêm khắc với chính mình sẽ góp phần giúp cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi. Đặc biệt, khi Đảng trở thành đảng cầm quyền, đảng viên thường nắm giữ những vị trí quan trọng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước, yêu cầu này càng có ý nghĩa quan trọng hơn nữa bởi đứng trước những khó khăn, thử thách cũng như những cám dỗ về tiền tài, danh lợi, cán bộ, đảng viên dễ bị suy thoái, biến chất, có thể nhanh chóng rơi vào chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm của mỗi cá nhân và tổ chức đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp “dĩ công vi tư””(3).
Đối với Đảng, sự tự giám sát của cán bộ, đảng viên là gốc rễ giám sát của Đảng “vì những người trong sạch thì không việc gì phải sợ sự kiểm soát của ai cả, ngay cả sự kiểm soát của nghị viện”(4). Người dẫn lại câu nói của Khổng Tử: “Mình có đứng đắn, mới tề được gia, trị được quốc, bình được thiên hạ. Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý(5).
Trong khi với chính mình phải thực hiện nghiêm khắc thì trong quan hệ với người khác, Hồ Chí Minh yêu cầu phải luôn khoan dung, độ lượng và tôn trọng mọi người. Quan điểm này thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm khắc với chính mình, mỗi cán bộ, đảng viên phải không tự cao, tự đại, luôn chịu khó học tập, cầu tiến bộ, luôn tự kiểm để phát triển điều tốt, khắc phục điều dở của bản thân; đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng; đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, đặt việc công lên trên, lên trước việc tư… Đây là yêu cầu thường xuyên, liên tục để mỗi cán bộ, đảng viên ngày càng hoàn thiện mình hơn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của mỗi thời kỳ.
Nghiêm khắc để kiểm soát chính mình không phải là điều dễ dàng, một phần do thói quen tùy tiện, do áp lực cuộc sống, do tác động từ môi trường và quan trong hơn nữa, điều khiến người ta khó kiểm soát được bản thân đó là những khó khăn, gian khổ trên con đường làm cách mạng, là sức hấp dẫn của địa vị, tiền tài, danh vọng. Do đó, nghiêm khắc với chính mình đòi hỏi sự tự giác cao, bản lĩnh vững vàng, sự tự chủ của bản thân trước mọi cám dỗ, biết tiết chế nhu cầu, lợi ích bằng cách đặt nhu cầu, lợi ích của mình trong sự phù hợp với nhu cầu, lợi ích của người khác và của tập thể.
Thấm nhuần quan điểm của Hồ Chí Minh, trong những năm vừa qua, Đảng ta đã luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng thời kỳ. Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng lần đầu tiên khẳng định “xây dựng, chỉnh đốn Đảng về cán bộ” với tư cách là một trong năm nội dung của công tác xây dựng Đảng, bên cạnh các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những chuyển biến tích cực. Nếu khẳng định “cán bộ là nhân tố quyết định thành bại của cách mạng” thì những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về kinh tế - xã hội sau hơn 30 năm đổi mới trong điều kiện Đảng đã lãnh đạo đất nước vượt qua khó khăn, thách thức thì không thể phủ nhận được “sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên”(6).
Nhìn trên phạm vi toàn cục, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và những khó khăn, tiêu cực trong nước, đại bộ phận cán bộ, đảng viên thể hiện quan điểm vững vàng, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, nghiêm túc thực hiện Cương lĩnh, Điều lệ và nghị quyết của Đảng; nêu cao vai trò lãnh đạo quần chúng; giữ gìn đạo đức, phẩm chất cách mạng, sống mẫu mực, đoàn kết, thống nhất trên nguyên tắc chung, quan hệ mật thiết, gắn bó với quần chúng nhân dân. Sự nhất trí về chính trị, đồng thuận trong xã hội vẫn là cơ bản. Đó là kết quả của nhiều yếu tố trong đó có việc thực hiện nghiêm khắc với chính mình, nêu cao ý thức tu dưỡng, rèn luyện của cá nhân
Bác Hồ thăm bà con nông dân xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang thu hoạch vụ lúa đầu tiên sau cải cách ruộng đất, năm 1954. Ảnh tư liệu
Tuy nhiên, trong một số cơ quan, đơn vị, vẫn còn trình trạng cán bộ, đảng viên mang nặng chủ nghĩa cá nhân, thủ đoạn, bè cánh, thiếu liêm, chính, chí công, vô tư, lợi dụng vị trí, chức vụ để tham ô, đục khoét, tham nhũng, ăn cắp của công; hạch sách, nhũng nhiễu cấp dưới và nhân dân, gây mất đoàn kết nội bộ; hoặc một số thì đòi hỏi Đảng, Nhà nước phải “trả ơn” (đòi quyền lợi, chế độ, chính sách…). Những vụ án lớn vừa qua cho thấy, những cán bộ, đảng viên sai phạm phần lớn đều được đào tạo cơ bản, có hiểu biết pháp luật, đều nhận thức đầy đủ về quy định của Đảng, Nhà nước, về yêu cầu đối với người đảng viên nhưng bản thân họ thiếu tu dưỡng, rèn luyện, đặc biệt là thiếu bản lĩnh chính trị (tức là chưa thực hiện yêu cầu nghiêm khắc với chính mình) do đó họ không vượt qua được những cám dỗ của lợi ích vật chất và danh vọng.
Chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng, một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý thức thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, sự giác ngộ về lợi ích; lập trường giai cấp công nhân ngày càng phai nhạt, bị tư tưởng tiểu tư sản, bệnh gia trưởng, hẹp hòi ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân chi phối. Khi gặp những biến đổi của môi trường chính trị, xã hội và những tác động tiêu cực, những người này dễ thay đổi bản chất chính trị, ngả nghiêng, dao động, mất niềm tin, mất phương hướng chính trị, tha hoá về đạo đức, lối sống.
Một số cán bộ, đảng viên có chức, có quyền ngày càng có xu hướng xa rời quần chúng; ít gắn bó với nhân dân; khoảng cách giữa họ với nhân dân có những biểu hiện gia tăng. Lối sống cá nhân hưởng thụ của một số cá nhân và gia đình cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, có tiền đang trở nên xa lạ với đa số nhân dân, khó có thể hòa đồng với nhân dân. Sự xa cách về mức sống, lối sống làm cho cán bộ, đảng viên không hiểu quần chúng, không được sự ủng hộ của quần chúng. Xa rời quần chúng, nằm ngoài sự giám sát của quần chúng là môi trường thuận lợi để chủ nghĩa cá nhân phát triển…
Thực hiện nghiêm khắc với chính mình theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng cần tiếp tục thực hiện một số nội dung sau:
Nâng cao ý thức nghiên cứu và học tập nâng cao trình độ, nhất là trình độ lý luận chính trị. Khi nhấn mạnh vai trò của lý luận, Hồ Chí Minh nhắc nhở mỗi đảng viên và cán bộ phải ra sức phấn đấu, không ngừng học tập để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của mình. Người cho rằng, học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa quyết định tới việc hình thành tư cách người cách mạng: “Phong trào cách mạng lôi cuốn hàng ức hàng triệu người. Công việc cách mạng là nghìn điều muôn loại phức tạp, khó khǎn. Để cân nhắc mọi hoàn cảnh phức tạp, nhìn rõ các mâu thuẫn, để giải quyết đúng các vấn đề, thì chúng ta phải cố gắng học tập lý luận Mác - Lênin”(7). Lý luận Chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ cung cấp cho chúng ta tri thức khoa học về xã hội, tự nhiên và con người mà còn giúp chúng ta nhận thức đúng đắn thế giới quan, phương pháp luận khoa học về mọi mặt đời sống, về con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân đang phấn đấu thực hiện. Tin và đi theo Chủ nghĩa Mác là tin vào học thuyết được xây dựng dựa trên nhận thức khoa học và cách mạng. Niềm tin đó sẽ góp phần rèn luyện bản lĩnh chính trị của người cán bộ, đảng viên. Khi có bản lĩnh chính trị vững vàng, trong mọi tình huống khó khăn, phức tạp, trước những bước ngoặt của cách mạng, người cán bộ, đảng viên của Đảng luôn giữ được bản lĩnh của người cộng sản, không vì những cám dỗ đời thường mà vi phạm các quy định của Đảng và Nhà nước.
Thường xuyên, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức: Đạo đức làm cho tư tưởng của người cách mạng trong sáng, khách quan, nhất quán, không có sự mờ ám, khuất tất. Đạo đức là thước đo bảo đảm cho tính đúng đắn, hữu ích, hữu dụng của chân lý, hướng vào mục đích vì Tổ quốc, vì nhân dân. Đạo đức của Đảng nói chung và đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng không tự nhiên có được. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống”. Do đó, việc giáo dục, xây dựng và rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên cần phải tuân theo nguyên tắc “tu dưỡng đạo đức suốt đời”. Thường xuyên, tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức có vai trò quan trọng, chi phối đến hành vi của mỗi người. Đó là cơ sở để hoàn thiện nhân cách làm người, vươn tới các giá trị phổ biến: chân, thiện, mỹ, đạt đến các chuẩn mực và giá trị văn hoá.
Tích cực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh: Trong thời gian qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh có giá trị và sức lan tỏa to lớn, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức tự tu dưỡng, rèn luyện mọi mặt của cán bộ, đảng viên; đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, hiệu ứng mang lại từ Cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đươc toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã và đang triển khai, trở thành sinh hoạt chính trị sâu rộng trong Đảng và trong hệ thống chính trị, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong Đảng, trong xã hội. Do đó, cá nhân cán bộ, đảng viên cần có ý thức tự giác thường xuyên tham gia các buổi học tập, quán triệt việc thực hiện Cuộc vận động và vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thấm nhuần để từ đó thực hiện một cách thiết thực, hiệu quả sự tự tu dưỡng của bản thân theo tấm gương hy sinh vĩ đại của Người vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người.
Nhận thức đầy đủ và sâu sắc về nguy cơ và những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là khi những biểu hiện suy thoái ngày càng tinh vi, được che đậy, tô vẽ dưới nhiều hình thức khác nhau như hiện nay. Bởi nếu không thực sự tỉnh táo, sáng suốt, hoặc nhận thức mơ hồ rất có thể sẽ bị rơi vào bẫy tự suy thoái bất cứ lúc nào. Đồng thời, cán bộ đảng viên còn cần nhận thức rõ ràng về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch khi chúng đang đẩy mạnh tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong chiến lược “diễn biến hoà bình”, các thế lực thù địch luôn lợi dụng những khó khăn, thiếu sót trong quá trình phát triển kinh tế, xây dựng xã hội mới của chúng ta để thực hiện các hoạt động chống phá. Mục tiêu đầu tiên của chúng là làm suy yếu Đảng, làm tha hoá đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chúng không ngừng tìm cách mua chuộc, lôi kéo cán bộ, đảng viên, gây chia rẽ nội bộ tổ chức đảng, làm cho một bộ phận đảng viên phai nhạt lý tưởng cách mạng, tha hoá về đạo đức và lối sống. Một bộ phận cán bộ, đảng viên có đời sống khá, thậm chí giàu có tôn sùng chủ nghĩa vật chất, đồng tiền, coi thường đạo lý, kỷ cương, bị cuốn theo lối sống xa hoa, hưởng thụ... không còn giữ được tư cách đạo đức của người cán bộ cách mạng. Một bộ phận có đời sống khó khăn, thấp kém, dễ bi quan, dao động, dễ bị lôi kéo, mua chuộc, kích động, lợi dụng… từ đó sinh ra tiêu cực, suy thoái.
Có thể nói, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hiện nghiêm khắc với chính mình thực sự có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng giai đoạn hiện nay./.
TS. Trần Thị Hợi
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
__
(1) (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. CTQG, H, 2011, t.5, tr.305, 291.
(3) (5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 6, tr.127, 129.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.7.
(6) Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) (khóa VIII) về một số vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, H, 1999, tr.20.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 11, tr.610.
Tác giả bài viết: Tổng hợp Thanh Bình
Nguồn tin: tuyengiao.vn:
Ý kiến bạn đọc