Từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, có thể rút ra những bài học trong công tác xây dựng đảng về đạo đức giai đoạn hiện nay. Từ những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, có thể rút ra những bài học trong công tác xây dựng đảng về đạo đức giai đoạn hiện nay.
1. Đạo đức cách mạng và chủ nghĩa cá nhân là hai cặp phạm trù đối lập nhau nhưng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đạo đức cách mạng cần phải xây dựng và củng cố, chủ nghĩa cá nhân cần phải đấu tranh để loại bỏ. Đạo đức cách mạng là sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân, chống chủ nghĩa cá nhân là để bảo vệ và củng cố đạo đức cách mạng.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực đạo đức của người cộng sản mà mỗi cán bộ, đảng viên phải phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện, tạo nên phẩm chất, nhân cách của người cộng sản. Đạo đức cách mạng được xây dựng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa đạo đức nhân loại. Đạo đức cách mạng là “đạo đức mới”, mang bản chất cách mạng, khoa học và nhân văn. Hồ Chí Minh khẳng định, đạo đức mới là đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người; phản ánh lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong sự nghiệp đấu tranh để giải phóng mình và giải phóng nhân loại, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản.
Chủ nghĩa cá nhân là đề cao, tuyệt đối hoá lợi ích cá nhân, luôn nghĩ đến lợi ích của mình trước hết, trên hết; không muốn vì lợi ích của mọi người, của tập thể. Chủ nghĩa cá nhân tuyệt đối hóa “cái tôi”, coi nhẹ cái “chúng ta” trong khi cái chúng ta mới là cơ sở tồn tại của đời sống xã hội loài người. Chủ nghĩa cá nhân là: “bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng tham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân”(1). Chủ nghĩa cá nhân gây ra những hậu quả xấu về mọi mặt, làm hại đến lợi ích của Đảng, của cách mạng và của nhân dân; gây chia rẽ, mất đoàn kết trong nội bộ Đảng và nhân dân, đe dọa đến vai trò cầm quyền của Đảng, sự tồn vong của chế độ. Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích, chủ nghĩa cá nhân sẽ “Che lấp đạo đức cách mạng, để ngǎn trở ta một lòng một dạ đấu tranh cho sự nghiệp cách mạng”(2); chủ nghĩa cá nhân “khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc”… Do đó, người đảng viên ngoài việc phải tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng còn phải quyết tâm đấu tranh chống mọi kẻ địch, luôn luôn cảnh giác và không chịu khuất phục trước chủ nghĩa cá nhân - hiện thân của cái xấu, cái ác, cái phản tiến bộ.
Cả cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với những nỗ lực không mệt mỏi để xây dựng, củng cố và hoàn thiện nền đạo đức mới - đạo đức cách mạng là sự đấu tranh triệt để, kiên quyết, không khoan nhượng chống chủ nghĩa cá nhân. Những chỉ dẫn của Người để lại những bài học lớn cho chúng ta trong xây dựng Đảng về đạo đức giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, xây dựng Đảng về đạo đức phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài và bền bỉ.
Đạo đức của xã hội nói chung, đạo đức của Đảng nói riêng và của mỗi con người cụ thể không tự nhiên có được mà phải trải qua quá trình rèn luyện, đấu tranh không ngừng mới hình thành, củng cố và hoàn thiện. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(3). Mặt khác, Người phân tích, “tư tưởng cộng sản với tư tưởng cá nhân ví như lúa với cỏ dại. Lúa phải chăm bón rất khó nhọc thì mới tốt được. Còn cỏ dại không cần chăm sóc cũng mọc lu bù. Tư tưởng cộng sản phải rèn luyện gian khổ mới có được. Còn tư tưởng cá nhân thì cũng như cỏ dại, sinh sôi, nảy nở rất dễ”(4). Hơn nữa, đạo đức thuộc về hình thái ý thức xã hội, khi tồn tại xã hội thay đổi, ý thức xã hội thay đổi theo. Điều đó có nghĩa, vào mỗi giai đoạn, đặc biệt là khi trải qua những bước ngoặt quan trọng, Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải kế thừa và bổ sung, hoàn thiện những chuẩn mực đạo đức mới để thích ứng với tình hình mới. Những điều đó cho thấy rằng, xây dựng Đảng về đạo đức không phải là công việc có giới hạn về thời gian mà là công việc phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài và bền bỉ.
Nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề đạo đức trong Đảng, Đảng đã quan tâm chỉ đạo rất sát sao công tác xây dựng Đảng nói chung và xây dựng Đảng về đạo đức nói riêng. Đó cũng chính là sự trở lại với những chỉ dẫn quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong rất nhiều tác phẩm của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích sâu sắc về chủ nghĩa cá nhân, Người đưa ra định nghĩa chủ nghĩa cá nhân, nhận diện những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, hậu quả của chủ nghĩa cá nhân và những biên pháp để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sách chủ nghĩa cá nhân và Hồ Chí Minh chính là tấm gương về sự bền bỉ, kiên trì và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân. Trên cơ sở những chỉ dẫn của Người về chống chủ nghĩa cá nhân, Đảng Cộng sản Việt Nam chú trọng xây đi đôi với chống, một mặt xây dựng đạo đức, mặt khác chống những biểu hiện phi đạo đức, phản đạo đức. Nghị quyết số 04-NQ/TW của Đảng đã chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, và những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ... Đây là sự phát triển lý luận về xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền hiện nay, là điểm nhấn quan trọng, định hướng công tác xây dựng Đảng, thể hiện rõ nét dấu ấn việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh.
Trong thời gian tới và trong bất cứ giai đoạn nào của quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng cần phải tiếp tục nhận thức sâu sắc và toàn diện, quán triệt và nghiêm túc trong tổ chức thực hiện tinh thần nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sự sao nhãng, lơ là hoặc thiếu thực chất trong xây dựng Đảng về đạo đức đều là mảnh đất mẫu mỡ cho sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và sự suy thoái của Đảng cầm quyền.
Thứ hai, nêu gương là một giải pháp đặc biệt quan trọng và hiệu quả.
Nêu gương là một giải pháp quan trọng trong xây dựng đạo đức cách mạng và chống chủ nghĩa cá nhân vì nêu gương có ưu thế vượt trội so với các phương pháp khác ở sự sinh động, thực tế, bằng người thật, việc thật, bằng những tấm gương sống, do đó có sức thuyết phục cao, hiệu quả, tạo nên sức mạnh to lớn để lôi cuốn quần chúng nhận thức và hành động theo. Người cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu gương trong thực hành đạo đức và chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, không chỉ tác động đến tư tưởng, nhận thức mà còn tác động đến tình cảm, niềm tin của cấp dưới và của nhân dân, qua đó tạo được uy tín của của họ trong tổ chức và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(5).
Trong Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu tác phẩm bằng hai mệnh đề: “Nhân dân ta thường nói: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau. Đó là một lời khen chân thành đối với đảng viên và cán bộ chúng ta”(6). Thực chất, đây chính là sự nhìn nhận, đánh giá của nhân dân đối với sự hy sinh, tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Người viết, “Trong lịch sử đấu tranh của Đảng và trong mọi hoạt động hằng ngày, nhất là trên mặt trận chiến đấu và sản xuất, rất nhiều cán bộ, đảng viên ta đã tỏ ra anh dũng, gương mẫu, gian khổ đi trước, hưởng thụ đi sau và đã làm nên những thành tích rất vẻ vang”(7). Người tự hào, “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác”(8). Đó chính là “những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Nhân cách, đạo đức, trí tuệ, tính tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là những cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước là biểu hiện thực tế, sinh động và thuyết phục nhất đối với nhân dân về tính chân chính và đạo đức của Đảng. Thực tế thời gian qua cho thấy, ở cấp ủy, tổ chức Đảng nào có người đứng đầu luôn gương mẫu, chí công vô tư, trong sáng về đạo đức thì cấp ủy, tổ chức Đảng đó luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy tốt vai trò lãnh đạo và ở đó cũng không có hoặc có rất ít hiện tượng đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống. Do đó, nêu gương về đạo đức ngày càng trở nên quan trọng trước những bước ngoặt của cách mạng, khi những biến cố chính trị đang làm thay đổi tình hình một cách nhanh chóng, mau lẹ và khó dự báo.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, để xây dựng đạo đức của Đảng, chống lại chủ nghĩa cá nhân, trước hết, cần phải đề cao tính tiên phong, gương mẫu, tự tu dưỡng, rèn luyện của người đứng đầu các tổ chức đảng. Cụ thể, Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải gương mẫu về đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên noi theo; đảng viên đi trước phải làm gương cho đảng viên đi sau; đảng viên giữ cương vị, chức vụ càng cao thì phải càng gương mẫu, trong sáng về đạo đức; đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý; những đảng viên có vị trí, địa vị quan trọng; những đảng viên có uy tín và những đảng viên có thâm niên công tác cũng có những tác động rất lớn đến xây dựng Đảng về đạo đức. Nếu những đảng viên này thực sự nêu gương về đạo đức thì trong lãnh đạo sẽ mang lại hiệu quả to lớn.
Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Mỗi người đảng viên phải cố gắng cho xứng đáng là một người trong những người đại biểu của dân tộc. Nhất là những người cán bộ và lãnh tụ, càng phải làm cho xứng đáng lòng tin cậy của Đảng, của dân tộc”(9). Có như vậy, công tác xây dựng Đảng về đạo đức mới đạt hiệu quả, thiết thực.
Thứ ba, mỗi cá nhân phải có ý thức không ngừng tu dưỡng đạo đức và có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân.
Trong tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cá nhân phải tu dưỡng những phẩm chất đạo đức sau: Phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết và trước hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Phải bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ(10). Để thực hiện được những chữ “phải” đó, cán bộ, đảng viên phải thực sự nghiêm khắc khép mình vào sự tự tu dưỡng, rèn luyện không ngừng về đạo đức và có bản lĩnh chống chủ nghĩa cá nhân.
Trong thời gian vừa qua, đa số đảng viên giữ được phẩm chất đạo đức cách mạng, có lối sống lành mạnh, giữ gìn được nhân cách trong những hoàn cảnh khó khăn. Nhiều cán bộ, đảng viên luôn giản dị, khiêm tốn, mẫu mực trong cơ quan, đơn vị, gia đình, dòng họ và nơi cư trú, gần gũi với nhân dân, hiểu và lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tin tưởng, yêu mến. Nhiều tấm gương sáng về đạo đức cách mạng luôn đi đầu trong các phong trào, mẫu mực trong ứng xử; kiên quyết, kiên trì đấu tranh chống biểu hiện tiêu cực về đạo đức, lối sống và những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức.
Tuy nhiên, bên cạnh đó là một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu ý thức tu dưỡng, dẫn đến vi phạm điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chuẩn mực đạo đức, biểu hiện cụ thể đó là, số lượng đảng viên vi phạm đạo đức ngày càng tăng; hành vi suy thoái đạo đức ngày càng đa dạng, tinh vi, phức tạp và ngày càng nghiêm trọng; suy thoái đạo đức của cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng diễn ra từ Trung ương đến địa phương... Suy thoái đó diễn ra trước hết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Không ít cán bộ lãnh đạo, quản lý bị suy thoái đạo đức do không giữ vững được bản lĩnh chính trị và phẩm chất cách mạng, bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc, bị cám dỗ trước những lợi ích vật chất tầm thường, thiếu gương mẫu trong thực hiện các nghĩa vụ công dân, trách nhiệm của người đảng viên...
Để xây dựng đạo đức của Đảng, xây dựng “sức đề kháng” tốt nhất chống chủ nghĩa cá nhân, điều kiện tiên quyết là ý thức tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân. Đây không chỉ được coi là một nguyên tắc mà còn là một trình độ, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải đạt tới. Tu dưỡng về mặt đạo đức phải trở thành một hành động tự giác, có hệ thống mà mỗi cá nhân thực hiện đối với bản thân mình nhằm khắc phục những hành vi trái đạo đức và bồi dưỡng, củng cố những hành vi đạo đức của mình, thúc đẩy sự phát triển nhân cách.
Cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phận sự của đảng viên và cán bộ là “cần phải luôn luôn tự hỏi mình, tự kiểm điểm mình và đồng chí mình”. Thường xuyên tu dưỡng đạo đức, đòi hỏi phải kiểm điểm, tự phê bình những lời đã nói, những việc đã làm, phải thường xuyên xem xét, đánh giá những điều hay - dở, đúng - sai để phát triển điều hay, sửa chữa khuyết điểm. Hồ Chí Minh chỉ rõ, sau mỗi công việc, cần rút kinh nghiệm để tìm ra ưu điểm để phát huy, nhân rộng; đồng thời chỉ rõ khuyết điểm, nguyên nhân để sửa chữa, khắc phục kịp thời, không để sai lầm từ một người thành sai lầm của nhiều người, sai lầm của một tổ chức thành của nhiều tổ chức.
Thứ tư, nhân dân phải thực sự là một chủ thể xây dựng Đảng về đạo đức.
Nhân dân là một bộ phận quan trọng trong việc xây dựng, bổ sung và phát triển những chuẩn mực đạo đức để Đảng thích ứng với những thay đổi của thực tiễn trong quá trình lãnh đạo. Đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh thuộc hệ tư tưởng đạo đức Mác - Lênin. Người đã kế thừa, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về bản chất, nguồn gốc, nội dung của đạo đức cộng sản, đồng thời, tiếp thu có chọn lọc những tư tưởng đạo đức tiến bộ của nhân loại để xây dựng những quan điểm về một nền đạo đức mới trong Đảng, trong nhân dân. Tuy nhiên, yếu tố tiên quyết hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong Đảng chính là những giá trị đạo đức truyền thống đã được nhân dân Việt Nam hun đúc và xây dựng lên qua nhiều thế hệ.
Theo Hồ Chí Minh, nhân dân giúp xây dựng Đảng bằng cách: hiểu rõ Đảng, ủng hộ Đảng, hưởng ứng những lời kêu gọi của Đảng, giúp Đảng nắm rõ tình hình trong nhân dân, đối với công tác của Đảng thì thật thà phê bình và nêu ý kiến của mình. Đảng là của dân tộc, của nhân dân, ở một khía cạnh nào đó, nhân dân với tư cách là một khách thể, ngoài Đảng, sự phê bình, góp ý của nhân dân về đạo đức của Đảng bao giờ cũng khách quan hơn so với việc nội bộ Đảng tự phê bình, góp ý cho nhau. Không những thế, nhân dân còn có vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý những vi phạm đạo đức của tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đối với việc xây dựng Đảng về đạo đức, việc tu dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, đảng viên, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải đặt dưới sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của người dân.
Chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta bài học quan trọng về phát huy vai trò tích cực, chủ động của nhân dân trong xây dựng Đảng về đạo đức. Để thực hiện được vai trò đó của nhân dân trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần tiếp tục phát huy dân chủ trong nhân dân, phát huy vai trò tích cực của dư luận xã hội, của thông tin đại chúng, tạo cơ chế để nhân dân tham gia giám sát và kiểm soát những hoạt động của cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, để nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đòi hỏi Đảng, Nhà nước cần có những giải pháp quyết liệt để nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước thực sự có hiệu quả bằng cả dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp; không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chính trị, pháp luật, quản lý cho nhân dân, đồng thời nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, cung cấp thông tin đầy đủ, tạo mọi điều kiện để “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.
Trước thực trạng đạo đức trong xã hội nói chung và đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng nói riêng hiện nay, chúng ta càng thầm nhuần hơn nữa những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân.
---
TS. Trần Thị Hợi
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
ThS. Bùi Thị Hương
Trường Chính trị tỉnh Ninh Thuận
(1) (2) (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.11, tr.611, 602, 612.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.222.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.1, tr.284.
(6) (7) (8) (9) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.546, 546, 546, 293, 547.
Tác giả bài viết: Phượng Giang( tổng hợp)
Nguồn tin: tuyengiao.vn:
Ý kiến bạn đọc