Làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công

Thứ tư - 15/02/2023 13:43 1.511 0

Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 20, sáng nay, 15/2, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội và các đại biểu ghi nhận Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường được chuẩn bị khá công phu; đồng thời đánh giá cao ý kiến phát biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhận thấy, dịch vụ công là dịch vụ thiết yếu đối với đời sống kinh tế-xã hội của đất nước, cộng đồng dân cư hoặc bảo đảm quốc phòng, an ninh mà Nhà nước phải tổ chức thực hiện.

Do đó, việc cung cấp các dịch vụ công phải tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình thực hiện, bảo đảm quyền và trách nhiệm của bên cung cấp dịch vụ cũng như bên được cung cấp dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, để làm rõ hơn việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công, dự thảo Luật đã bổ sung quy định tại khoản 10 Điều 4 theo hướng khi sử dụng dịch vụ công, người tiêu dùng được bảo vệ theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan. Đồng thời, để ngăn chặn việc cung cấp các dịch vụ không bảo đảm chất lượng, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 35 về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ công) không đúng nội dung đã đăng ký, thông báo, công bố, giao kết.

Theo ông Lê Quang Huy, về khái niệm người tiêu dùng (khoản 1 Điều 3) hiện có 2 loại ý kiến khác nhau.

Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật vì: trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại.

Quy định này sẽ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức khi tham gia tiêu dùng, khắc phục được hạn chế của các quy định người tiêu dùng chỉ bao gồm cá nhân do không phải mọi tổ chức đều có khả năng tự bảo vệ trước các hành vi vi phạm từ phía nhà sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, quy định này kế thừa quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành và Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 1999; đồng thời, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, mặc dù quy định về vấn đề này tương đối khác nhau nhưng pháp luật một số nước vẫn điều chỉnh người tiêu dùng bao gồm cả cá nhân và tổ chức.

Trong khi đó, loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng” vì: theo báo cáo của Bộ Công thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít.

Thảo luận về cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả

Người tiêu dùng là tổ chức có nhiều điều kiện tốt hơn so với người tiêu dùng là cá nhân khi thực hiện giao dịch mua, bán và giải quyết tranh chấp; dự thảo Luật quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân. Đây cũng là phương án Chính phủ trình Quốc hội.

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga tán thành với loại ý kiến quy định khái niệm người tiêu dùng là có cả tổ chức. Bởi, phương án này sẽ tạo được cơ chế bảo vệ nhanh chóng, hiệu quả khi xảy ra các trường hợp số đông người tiêu dùng bị thiệt hại do vi phạm từ phía nhà sản xuất kinh doanh, nhất là các trường hợp như trường học, doanh nghiệp mua hàng tiêu dùng cho trẻ em, học sinh, công nhân…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu cho ý kiến vào nội dung thảo luận.

Tham gia ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, nếu thay đổi quy định này cần đánh giá kỹ hơn về đặc thù, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.

Trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và khá phổ biến đối với Việt Nam cần được cân nhắc thận trọng; vì vậy cần làm rõ căn cứ để lựa chọn, thực tiễn thi hành pháp luật theo đặc thù của Việt Nam, tính hiệu quả, khả thi nhằm bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế-xã hội của đất nước.

Nhấn mạnh sự ngang bằng trách nhiệm trước pháp luật của các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các quy định của luật không được làm phương hại đến lợi ích của tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, dịch vụ, nhất là chi phí tuân thủ pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận nội dung thảo luận tại phiên họp.

Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp các cơ quan hữu quan rà soát, tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật xin ý kiến Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, lấy ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội cùng một số cơ quan liên quan, bảo đảm chất lượng dự án Luật trình Quốc hội.

Sáng nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề xuất 2 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phương án 1: giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”. Cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức và không vì mục đích thương mại”.

Phương án 2: giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Thường trực Ủy ban thống nhất theo Phương án 1.

Tin: VĂN CHÚC; Ảnh: DUY LINH

Tác giả bài viết: Thanh lê ( tổng hợp)

Nguồn tin: nhandan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HƯỚNG DẪN DVC TRỰC TUYẾN
GÓP Ý VĂN BẢN DỰ THẢO
GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
OCOOP TÂY NINH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

dịch vụ công bộ công an
VĂN BẢN MỚI
AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG
FORM.GOV
BỘ PHÁP ĐIỂN
BẢN DỒ DU LỊCH TÂY NINH
CỔNG DỰ LIỆU QUỐC GIA
BAN CHỈ ĐẠO CCHC CHÍNH PHỦ
CÔNG BÁO
CÔNG BÁO TỈNH TÂY NINH
góp ý dự thảo văn bản
dvc nhà ở riêng lẻ
thông tin quy hoạch
DÁNH GIÁ CĐS DOANH NGHIỆP
ĐƯỜNG DÂY NÓNG PAKN
VEDEO PHÓNG SỰ
ngày này năm xưa
LÀNG SỐ
THAM VẤN KINH DOANH
Hệ thống đo tốc độ truy cập internet
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập50
  • Hôm nay1,794
  • Tháng hiện tại51,994
  • Tổng lượt truy cập1,255,254
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây