I- Ý NGHĨA LỊCH SỬ CỦA NGÀY 15/10 - NGÀY TRUYỀN THỐNG CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG
Sau khi thành lập Đảng, từ ngày 14 đến ngày 31/10/1930, tại Hồng Kông, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất đã thông qua Luận cương chính trị, Điều lệ Đảng và các án nghị quyết về công nhân vận động, nông dân vận động, cộng sản thanh niên vận động, phụ nữ vận động, quân đội vận động, vấn đề cứu tế và đồng minh phản đế. Nghị quyết Trung ương lần thứ nhất chỉ rõ: "Trong các Đảng bộ thượng cấp (từ thành và tỉnh ủy trở lên) phải tổ chức ra các Ban chuyên môn về các giới vận động". Từ tháng 10/1930, hệ thống Ban chuyên môn về các giới vận động của Đảng bao gồm: Công vận, Nông vận, Thanh vận, Phụ vận, Quân đội vận, Mặt trận phản đế được ra đời làm nhiệm vụ tổ chức, tập hợp lực lượng, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia các phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài báo “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật, số 120, ra ngày 15/10/1949 với bút danh X.Y.Z. Bài báo có ý nghĩa vô cùng quan trọng, thể hiện xuyên suốt tư tưởng “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các tổ chức đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Tháng 10/1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Dân vận”, Bộ Chính trị khóa VIII đã đồng ý lấy ngày 15/10/1930 là ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và quyết định chọn ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước” để đẩy mạnh việc học tập và thực hiện những lời dạy của Bác Hồ về công tác dân vận.
Trải qua 92 năm đồng hành cùng lịch sử dân tộc, công tác dân vận luôn là một bộ phận quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, góp phần củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân.
II- CHẶNG ĐƯỜNG 92 NĂM CÔNG TÁC DÂN VẬN CỦA ĐẢNG
1. Công tác dân vận trong thời kỳ đấu tranh giành chính quyền (1930 - 1945)
Ngay sau Hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản và Đảng Cộng sản Việt Nam ra Lời kêu gọi công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, học sinh và toàn thể đồng bào bị áp bức, bóc lột, trong đó Người nhấn mạnh “Từ nay anh chị em chúng ta cần phải gia nhập Đảng, ủng hộ Đảng và đi theo Đảng" để hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng đề ra. Đảng nhanh chóng tổ chức ra các đoàn thể cách mạng, hình thành bộ máy và cán bộ làm công tác dân vận. Ngày 18/11/1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh, hình thức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng. Để thực hiện mục tiêu cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, Đảng đã tổ chức cho đảng viên đi vào các giai tầng xã hội, tuyên truyền, vận động, tổ chức và tập hợp, huấn luyện quần chúng đấu tranh chống áp bức, bất công, bóc lột, đòi hỏi dân sinh, dân chủ ở nhiều nơi.
Sau cao trào cách mạng 1930-1931, phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ 1936 - 1939, phong trào Phản đế 1939 - 1941 và phong trào Mặt trận Việt Minh 1941-1945, với chủ trương mở rộng chính sách đại đoàn kết toàn dân của công tác mặt trận, Đảng đã tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, bao gồm nhân sĩ, trí thức, tư sản dân tộc và cả ngoại kiều… các hình thức đấu tranh công khai, hợp pháp, nửa hợp pháp đã tạo nên bước phát triển mới trong xây dựng lực lượng chính trị quần chúng. Tại Hội nghị lần thứ 8 Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Mặt trận dân tộc thống nhất chống phát-xít Pháp - Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh gọi tắt là Việt Minh đã ra đời ngày 19/5/1941. Với khí thế của cả dân tộc, thực hiện phương châm kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, phát triển từ khởi nghĩa từng phần tiến tới tổng khởi nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, Cách mạng Tháng Tám đã thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào ngày 02/9/1945.
2. Công tác dân vận trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc (1945 - 1975)
Trong suốt 30 năm liên tục (1945 - 1975) của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, bằng niềm tin và sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã góp phần tuyên truyền, vận động, tổ chức những phong trào cách mạng rộng lớn, động viên sức người, sức của, huy động được sức mạnh của toàn dân tộc, nhân dân ta viết nên những trang sử hào hùng.
Trong những năm kháng chiến và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, Đảng ta đã tổ chức, rèn luyện và hình thành một đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận luôn gắn bó máu thịt với nhân dân ở khắp mọi miền của đất nước. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã chịu đựng hy sinh gian khổ, kiên cường bám dân để thực hiện xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao cho. Nhân dân tin tưởng và che chở cho cán bộ khi bị địch truy lùng, chăm sóc chạy chữa khi đau yếu, móc nối khi mất liên lạc và đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi như con em trong gia đình. Trong những năm tháng đó, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, các phong trào "Ba sẵn sàng", "Ba đảm đang", "Năm xung phong"... đã rầm rộ phát triển, tạo nên bầu nhiệt huyết cách mạng sôi động trong nhân dân cả nước, tất cả vì sự nghiệp độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc. Công tác dân vận đã góp phần củng cố niềm tin tuyệt đối của nhân dân đối với Đảng, Bác Hồ với tấm lòng son sắt và thủy chung, không gì lay chuyển được.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ là thắng lợi của đường lối mở rộng đại đoàn kết toàn dân tộc vì sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Đó là sự thành công của việc xây dựng lực lượng chính trị ngày càng rộng rãi trong mặt trận và các đoàn thể, trong lực lượng vũ trang theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân, không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân..."; phát huy tới mức cao nhất về lực lượng, trí tuệ và của cải tạo thành sức mạnh tổng hợp để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
3. Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (từ 1975 đến nay)
Sau 30 năm chiến tranh, cả nước bước vào thời kỳ mới cùng thực hiện một chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa với nhiều khó khăn, thách thức. Đảng đã vận động nhân dân khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và kéo dài, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với Lào, Campuchia, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất họp từ 31/01 - 04/02/1977 tại TP. Hồ Chí Minh đã thống nhất các tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam - Bắc thành tổ chức Mặt trận thống nhất duy nhất, lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Thực hiện các Nghị quyết Đại hội VII đến Đại hội XII của Đảng, Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản liên quan đến công tác dân vận: Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18/02/1998 về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở”; các Nghị quyết số 23, 24, 25, khoá IX (năm 2003) về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về công tác dân tộc, về công tác tôn giáo; Quyết định số 290-QĐ/TW, ngày 25/02/2010 về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị". Đặc biệt, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 03/6/2013 về "Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) đã nhấn mạnh nội dung phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân và công tác dân vận trong xây dựng đảng, yêu cầu tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, củng cố vững chắc niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, vận động Nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát huy sức mạnh to lớn của Nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng lớn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, Đảng đã đổi mới phương thức lãnh đạo đối với công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự tin dân, trọng dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân, có trách nhiệm với dân; ban hành nhiều văn bản cụ thể hoá quyền làm chủ của Nhân dân như: Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, Quyết định số 99-QĐ/TW, ngày 03/10/2017 và Quy định số 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư,... từ đó cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát” ngày càng đi vào thực chất.
Đại hội XIII của Đảng (năm 2021) với tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 đã bổ sung nhiều nội dung mới về lãnh đạo đối với công tác dân vận. Văn kiện Đại hội xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ: Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Trong đó nhấn mạnh các nội dung: "Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động…, tăng cường đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục hoàn thiện và thực thi quy định về đạo đức công vụ trong công tác dân vận.."; "Tổ chức có hiệu quả, thực chất việc nhân dân tham gia giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị; phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tăng cường đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang. Chú trọng công tác dân vận đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, đóng góp ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Chăm lo, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách về công tác dân vận.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân: Thực hiện đúng đắn, hiệu quả dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện, đặc biệt là dân chủ ở cơ sở. Thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". Đồng thời xác định cơ chế "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngày 30/7/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 23-QĐ/TW về "Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị" (thay thế Quyết định số 290-QĐ/TW của Bộ Chính trị khóa X). Quyết định số 23-QĐ/TW có nhiều điểm mới, quy định rất cụ thể về trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng.
III- LỊCH SỬ NGÀNH DÂN VẬN TỈNH TÂY NINH
Cùng với cả nước, công tác dân vận của Đảng bộ Tây Ninh đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng và xây dựng, phát triển tỉnh nhà. Trong thời kỳ 1954 - 1960, trên danh nghĩa, không còn tổ chức mặt trận và các đoàn thể, nhưng dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tất cả cán bộ, đảng viên đều làm công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng đấu tranh chính trị, thực hiện phương châm “4 cùng” trong dân: cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng đấu tranh. Từ những phong trào chống cướp bảo vệ xóm làng đến các phong trào đấu tranh chống khủng bố trả thù người kháng chiến cũ, chống bắt lính… mà cao trào là trận đánh chiến thắng Tua Hai vang dội (26/01/1960), mở đầu cho phong trào đồng khởi vũ trang ở miền Nam.
Tháng 5/1961, Đại hội lần thứ nhất Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Tây Ninh được tổ chức và thành lập các đoàn thể thanh niên giải phóng, phụ nữ giải phóng, nông dân giải phóng từ tỉnh đến xã. Cũng trong năm 1961, Khu ủy miền Đông lập Ban Dân vận để vận động quần chúng đấu tranh cách mạng, Tỉnh ủy Tây Ninh thành lập Ban Dân vận Tỉnh ủy và đồng chí Tư Thái được Khu ủy cử về làm Trưởng ban. Từ đó, công tác vận động, tập hợp lực lượng quần chúng vào tổ chức ngày càng phát triển mạnh và rộng khắp.
Năm 1975, Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo Tây Ninh phải tự lực giải phóng. Trên tinh thần đó, Tỉnh uỷ đã đề ra nhiệm vụ huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã. Thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, hệ thống dân vận các cấp đã đẩy mạnh công tác vận động, tập hợp lực lượng, tổ chức các phong trào đấu tranh chính trị, binh vận. Với sức mạnh tổng hợp của công nhân, nông dân, thanh niên, phụ nữ, học sinh, tiểu thương, tín đồ các tôn giáo, đồng bào các dân tộc thiểu số…đã góp phần cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh tự giải phóng tỉnh nhà.
Giải phóng chưa được bao lâu, Tây Ninh lại phải đương đầu với chiến tranh biên giới Tây Nam; kinh tế - xã hội lâm vào khủng hoảng kéo dài, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn; công tác dân vận tập trung vận động các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, vừa chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, vừa từng bước xây dựng cơ sở vật chất. Sau khi chiến tranh biên giới Tây Nam kết thúc, nhiệm vụ công tác dân vận là vận động nhân dân ổn định tình hình, tiếp tục cải tạo và xây dựng CNXH trên địa bàn tỉnh.
Bước vào thời kỳ đổi mới và đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, hệ thống dân vận, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động sát hợp với nhu cầu và lợi ích của nhân dân; vận động đông đảo nhân dân tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh ở địa phương; đồng thời thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động và các phong trào thi đua yêu nước như cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng nhà tình nghĩa, nhà "đại đoàn kết", làm đường giao thông nông thôn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, v.v…
Trong những năm gần đây, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng hoạt động công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội như: Đề án số 08-ĐA/TU, ngày 27/3/2020 về tập hợp, đoàn kết công nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025; Chỉ thị số 05-CT/TU, ngày 20/7/2021 về việc đẩy mạnh kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ; Chỉ thị số 06-CT/TU, ngày 20/7/2021 về tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp; Chỉ thị số 25-CT/TU, ngày 25/02/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới; Quyết định số 1116-QĐ/TU, ngày 29/9/2021 về ban hành Quy chế công tác Dân vận của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh (thay thế Quyết định số 4050-QĐ/TU),.... Từ đó, công tác dân vận đạt được nhiều kết quả đáng kể: Công tác tập hợp quần chúng vào các loại hình tổ chức được chú trọng, khắc phục cơ bản tình trạng đoàn viên, hội viên “ảo”, chất lượng sinh hoạt chi, tổ hội ngày càng thực chất.
Các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp có những chuyển biến tích cực trong công tác dân vận, quan tâm cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ và trách nhiệm phục vụ Nhân dân. Công tác phối hợp của chính quyền, lực lượng vũ trang các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác dân vận ngày càng chặt chẽ và hiệu quả.
Hằng năm phối hợp liên ngành ra quân làm công tác dân vận 02 đợt với nhiều công trình, phần việc thiệt thực, ý nghĩa chăm lo cho các tầng lớp nhân dân. Hệ thống dân vận, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng các cấp xây dựng và duy trì được nhiều mô hình mới, cách làm hay hiệu quả, góp phần giúp đoàn viên, hội viên và Nhân dân xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu chính đáng.
Từ cuối năm 2019 đến nay, công tác vận động, ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 được các cấp, ngành, các doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân mạnh thường quân tích cực tham gia thực hiện với số tiền và hiện vật trị giá hằng trăm tỷ đồng. Nhân dân đồng tình, ủng hộ những chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phòng, chống và xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Trong những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của công tác dân vận. Các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng chính đáng, quan tâm giải quyết những bức xúc trong nhân dân, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền tạo đồng thuận, động viên nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị, phát triển tỉnh nhà.
Dân vận và công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nước ta. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công", phát huy truyền thống vẻ vang 92 năm công tác Dân vận của Đảng, mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị cần thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng, đạo đức và phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đổi mới công tác dân vận theo hướng sát cơ sở, thực sự “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; thực lòng quan tâm, chăm lo lợi ích và đời sống của nhân dân; gắn việc làm tốt công tác dân vận với trách nhiệm nêu gương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng và nhân dân giao cho.
Cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với bản lĩnh, quyết tâm và nỗ lực chung, công tác dân vận sẽ tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, phát huy mạnh mẽ sức mạnh của nhân dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
Tác giả bài viết: Thanh Bình
Nguồn tin: Ban Dân Vận Tỉnh ủy Tây Ninh
Ý kiến bạn đọc