Ngày 19/02/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh ban hành Văn bản số 479/UBND-KSTT về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 27/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2025, trong đó Chính phủ giao địa phương một số nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác cải cách thủ tục hành chính.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện hiệu quả các công việc như sau:
1. Các Sở, ban, ngành tỉnh
1.1. Đối với các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp
- Tiến hành rà soát, lập danh mục thủ tục hành chính (TTHC) có thực hiện giao dịch với doanh nghiệp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị mình.
- Kịp thời thông tin, tuyên truyền trên Cổng hành chính công Zalo của tỉnh, Trang tin điện tử của cơ quan, đơn vị và các kênh truyền thông có liên quan để thông báo cho các doanh nghiệp biết danh mục các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, đơn vị đã đủ điều kiện nộp hồ sơ theo hình thức trực tuyến (Lưu ý: Trước ngày 15/3/2025 công bố thời gian chính thức thực hiện 100% trực tuyến các TTHC liên quan doanh nghiệp) .
- Thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ với nội dung “mọi TTHC liên quan đến doanh nghiệp phải được tổ chức thực hiện theo hình thức trực tuyến, thông suốt, liền mạch, minh bạch, hiệu quả, giảm tối đa giấy tờ”.
- Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật hoàn chỉnh quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên các Hệ thống liên quan.
- Thực hiện kiểm thử (nộp, thụ lý và trả kết quả) các TTHC có giao dịch với doanh nghiệp hoàn toàn trên môi trường điện tử. Báo cáo kết quả kiểm thử từng TTHC về UBND tỉnh.
- Xây dựng Clip hướng dẫn nộp, truy xuất dữ liệu là kết quả giải quyết TTHC trên các Hệ thống thông tin nhà nước cung cấp.
- Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh. Khi tiếp nhận phải tích chọn mục đối tượng là tổ chức để đảm bảo công tác thống kê, báo cáo khi có yêu cầu. Giao Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra, chấm điểm cải cách TTHC của các cơ quan, đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này.
- Thủ trưởng Sở, Ban ngành tỉnh căn cứ vào danh mục TTHC có thực hiện giao dịch với doanh nghiệp của từng đơn vị thuộc quyền quản lý để quán triệt và giao trách nhiệm cho các đơn vị thực hiện 100% dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp; gắn công tác thi đua – khen thưởng và đánh giá hàng năm của các đơn vị, cá nhân với việc thực hiện nội dung này.
- Định kỳ, lồng ghép kết quả thực hiện vào báo cáo công tác kiểm soát TTHC hàng tháng, quý, năm theo quy định. Rà soát thành phần hồ sơ đối với những TTHC giao dịch với doanh nghiệp, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh bãi bỏ những thành phần hồ sơ không cần thiết hoặc đã có dữ liệu điện tử.
1.2. Rà soát các TTHC do ngành mình quản lý (TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã), trong năm 2025, 100% TTHC được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi tỉnh.
1.3. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông rà soát, lập danh mục và cập nhật vào Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh các thành phần hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp có thể tái sử dụng lại dữ liệu, kết quả điện tử khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến để cải thiện chỉ số tái sử dụng kết quả, dữ liệu điện tử của tỉnh và tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
2. Các Sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, cấp xã thực hiện số hóa TTHC theo đúng quy định tại Nghị định số 107/2021/NĐ-CP ngày 06/12/2021 của Chính phủ và Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ; đảm bảo 100% TTHC được số hóa đầu vào kiểm tra hồ sơ của tổ chức, cá nhân đã gửi hồ sơ trên Cổng Dịch vụ công đúng thành phần yêu cầu của TTHC. Cán bộ, công chức, viên chức Bộ phận Một cửa tiếp nhận ký số theo quy định.
- Đối với trả kết quả điện tử TTHC, cán bộ, công chức, viên chức có liên quan thực hiện các thao tác trên Hệ thống theo đúng quy định tại Điều 9, Thông tư số 01/2023/TT-VPCP và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân khai thác kết quả điện tử trong kho dữ liệu cá nhân, tổ chức trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các Hệ thống liên quan (Nội dung hướng dẫn tại Công văn số 6324/VP-KSTT ngày 18/7/2024 của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh).
- Tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, không yêu cầu người dân phải đính kèm giấy tờ khi dữ liệu đã được số hóa, trước mắt ưu tiên đối với dữ liệu đất đai đã được số hóa, nghiên cứu đưa vào tái sử dụng phục vụ việc cắt giảm các TTHC.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
- Hoàn thiện Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đảm bảo các thao tác trên Cổng Dịch vụ công tỉnh, ứng dụng Tây Ninh Smart để doanh nghiệp thực hiện nộp hồ sơ thủ tục hành chính dễ dàng, thuận tiện, an toàn, an ninh thông tin.
- Phối hợp các đơn vị kiểm thử TTHC khi đã được cập nhật lên các Hệ thống liên quan.
- Phối hợp các sở, ban, ngành tập huấn khai thác sử dụng trong việc thực hiện tiếp nhận, thụ lý, lưu trữ kết quả điện tử, trả kết quả điện tử và tái sử dụng dữ liệu, kết quả điện tử.
- Kiểm tra, nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đáp ứng việc ký số của doanh nghiệp khi giao dịch trực tuyến.
- Xây dựng bộ công cụ giám sát việc thực hiện trực tuyến 100% TTHC liên quan doanh nghiệp.
- Chủ trì, phối hợp với Sở, ban, ngành tỉnh lập danh mục và cập nhật các thành phần hồ sơ có thể tái sử dụng lại dữ liệu, kết quả điện tử vào hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.
4. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, có giải pháp cụ thể, thiết thực tạo đột phá mạnh mẽ để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính năm 2025.
5. Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh
- Thông báo đến cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh về chủ trương của tỉnh trong việc thực hiện 100% TTHC của doanh nghiệp theo hình thức trực tuyến.
- Khuyến nghị các doanh nghiệp khi thực hiện các TTHC trên địa bàn tỉnh thì chủ động thực hiện bằng hình thức trực tuyến.
- Báo cáo cho UBND tỉnh biết những TTHC không thực hiện được trực tuyến do gặp khó khăn mặc dù đã được tỉnh công bố đủ điều kiện nộp trực tuyến.
6. Giao Văn phòng UBND tỉnh thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến TTHC liên quan doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Báo cáo UBND tỉnh để kịp thời xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
Tác giả bài viết: Thanh lê
Nguồn tin: OA HCC Tây Ninh:
Ý kiến bạn đọc