Tháp Chót Mạt tọa lạc ấp Xóm Mới, xã Tân Phong, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Tháp Chót Mạt được phát hiện chính thức cùng tháp Bình Thạnh (thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh) vào đầu thế kỷ XX. Tháp Chót Mạt được xác định xây dựng khoảng thế kỷ VIII sau công nguyên thuộc nền văn hóa Óc Eo.
Toàn bộ kiến trúc đền tháp được xây dựng trên gò đất hình chữ nhật theo hướng Đông -Tây, cao hơn mặt ruộng 0,8-1m, phía trước là bàu nước được đào để lấy đất đắp nền tháp. Tháp Chót Mạt được xây bằng hai loại vật liệu chính là gạch và đá phiến. Hình dáng của tháp gần giống như tháp Chàm hiện có ở các tỉnh miền Trung. Chân tháp rộng, các bức tường quanh tháp thẳng, tường tháp dày, đỉnh tháp nhọn, các vỉa gạch được xếp chồng khít lên nhau hầu như không có khe hở.
Qua tài liệu báo cáo khảo cổ học Tây Ninh của Viện Nghiên cứu khảo cổ Đông Dương, kiến trúc tháp Chót Mạt xây bằng gạch có bình diện vuông 5m x 5m, đỉnh tháp cao 10m, mỗi chiều kiến trúc tháp đều bị hư hại mất gần 1/2 kiến trúc. Hai mặt tường tháp ở phía Tây và Bắc hầu như bị sụp đổ hoàn toàn, chỉ còn phần móng tường chân đế tháp, các hoa văn trang trí bị nứt nẻ, chỗ còn, chỗ mất.
Tháp Chót Mạt (Tân Biên - Tây Ninh)
Cho đến nay tháp Chót Mạt là một trong 03 ngôi đền tháp còn lại ở Nam Bộ (cùng với tháp Bình Thạnh tọa lạc xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh còn tương đối nguyên vẹn và tháp Vĩnh Hưng tại tỉnh Bạc Liêu).
Tháp Chót Mạt đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia tại Quyết định số 937/QĐ-BT ngày 23/7/1993.
Theo Bảo tàng Tây Ninh
Tác giả bài viết: Thanh lê ( tổng hợp)
Nguồn tin: baotang.tayninh.gov.vn:
Ý kiến bạn đọc