Trong những năm qua, tai nạn giao thông ở nước ta vẫn còn diễn biến phức tạp, số người chết còn ở mức cao; tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho người, phương tiện khi tham gia giao thông; tình trạng ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật khi tham gia giao thông vẫn xảy ra phổ biến.
Ùn tắc giao thông phức tạp tại các thành phố lớn do lưu lượng phương tiện tăng đột biến trong khi tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng yêu cầu, gây tắc nghẽn trên diện rộng tại các đô thị lớn và trên các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm đã gây ra thiệt hại không nhỏ về kinh tế, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động không tốt đến môi trường du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài và hình ảnh của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng trên là do Luật Giao thông đường bộ năm 2008 được xây dựng và ban hành trên cơ sở sửa đổi Luật Giao thông đường bộ năm 2001 trong bối cảnh hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ còn hạn chế, phương tiện chủ yếu là xe mô tô, xe gắn máy. Một số quy định của Luật Giao thông đường bộ năm 2001 tuy đã được điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ năm 2008 nhưng vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa sát với thực tiễn để tổ chức thực hiện.
Công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông là một nội dung của công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới.
Ngày 27/6/2024, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025; riêng quy định "Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em" có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2026.
Luật Giao thông đường bộ số 23/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 35/2018/QH14 và Luật số 44/2019/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành, trừ những trường hợp liên quan đến Giấy phép lái xe được cấp trước ngày 01/01/2025 thì có hiệu lực thi hành riêng theo quy định của Luật này.
Nghị quyết số 73/2022/QH15 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô hết hiệu lực kể từ ngày Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp liên quan đến đấu giá biển số xe ô tô được thực hiện trước ngày 01/01/2025 thì có hiệu lực thi hành riêng theo quy định của Luật này.
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 có 09 chương, 89 điều; quy định về quy tắc, phương tiện, người tham gia giao thông đường bộ, chỉ huy, điều khiển, tuần tra, kiểm soát, giải quyết tai nạn giao thông đường bộ, trách nhiệm quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Việc xây dựng, ban hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã tạo hành lang pháp lý quan trọng bảo đảm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân khi tham gia giao thông; xác định cụ thể cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ ở nước ta trong thời gian tới./.
Anh Tuyết
Tác giả bài viết: CAO THƯƠNG (TỔNG HỢP)
Ý kiến bạn đọc