Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở và hiệu lực của Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án
Điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở
Nhằm bảo đảm kết quả thỏa thuận hòa giải thành đúng quy định pháp luật, tránh trường hợp các bên thỏa thuận trái pháp luật và đạo đức xã hội hoặc lợi dụng cơ chế công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án để xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức khác…, Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định rất chặt chẽ về điều kiện để Tòa án công nhận kết quả hòa giải ngoài Tòa án. Điều này đặt ra yêu cầu hòa giải viên ở cơ sở phải nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở.
Theo đó, vụ việc hòa giải thành ở cơ sở được Tòa án công nhận khi đáp ứng tất cả các điều kiện sau:
(1). Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự;
(2). Vụ, việc được hòa giải tuân thủ đúng quy định pháp luật về hòa giải ở cơ sở;
(3). Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý;
(4). Có văn bản hòa giải thành. Nội dung thỏa thuận hòa giải thành là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba;
(5). Một hoặc cả hai bên có đơn yêu cầu Tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở.
Theo khoản 7 Điều 27; Điểm a Khoản 2 Điều 35 và Điểm s Khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án có thẩm quyền ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người yêu cầu cư trú, làm việc.
Hiệu lực của Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án
- Quyết định công nhận hoặc không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở của Tòa án có hiệu lực thi hành ngay, không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
- Việc Tòa án không công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở không ảnh hưởng đến nội dung và giá trị pháp lý của kết quả hòa giải ở cơ sở.
- Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án được thi hành theo pháp luật về thi hành án dân sự, tức là sau khi có quyết định công nhận của Tòa án, các bên phải tự nguyện thi hành thỏa thuận của mình trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành của Tòa án; hết thời gian này, bên phải thực hiện nghĩa vụ có điều kiện thực hiện nghĩa vụ mà không tự nguyện thực hiện thì bị cưỡng chế thực hiện, bên có quyền được nộp đơn yêu cầu thi hành cho cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của Luật Thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).
Lưu ý: Việc yêu cầu Tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành ở cơ sở là hoàn toàn tự nguyện, các bên có quyền gửi đơn yêu cầu hoặc không gửi đơn yêu cầu.
Tác giả bài viết: CAO THƯƠNG
Nguồn tin: pbgdpl.tayninh.gov.vn
Ý kiến bạn đọc