Theo Nghị quyết 104/NQ-CP của Chính phủ, 4 loại vắc xin quan trọng sẽ được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng trong giai đoạn 2021-2030.
Lộ trình bổ sung 4 loại vắc xin vào Tiêm chủng mở rộng
Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng đã miễn phí 10 loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc bổ sung thêm 4 loại vắc xin mới sẽ giúp nâng cao tỷ lệ tiêm chủng, bảo vệ sức khỏe cho người dân, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ. Cụ thể, 4 loại vắc xin sắp được đưa vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng gồm:
Vắc xin phòng bệnh do vi rút Rota: Bảo vệ trẻ khỏi bệnh tiêu chảy rotavirus, nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng ở trẻ em. Tiêm 2-3 liều cho trẻ từ 6 tuần tuổi. Vắc xin rota đang được triển khai thí điểm một số tỉnh và dự kiến triển khai trên cả nước đến hết năm 2024.
Vắc xin phòng bệnh do phế cầu (PCV): Ngăn ngừa các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết do vi khuẩn phế cầu. Lịch tiêm tùy theo loại vắc xin và độ tuổi. Vắc xin phòng bệnh do phế cầu dự kiến sẽ bắt đầu triển khai thí điểm tại năm tỉnh/thành phố trong năm 2025 và mở rộng triển khai ở các tỉnh thành phố vào năm 2030.
Vắc xin phòng bệnh ung thư cổ tử cung (HPV): Giúp bảo vệ phụ nữ khỏi virus HPV, nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Vắc xin HPV dự kiến bắt đầu triển khai trong TCMR năm 2026 miễn phí cho trẻ em gái độ tuổi 11.
Vắc xin phòng bệnh cúm mùa (Influenza): Giảm nguy cơ mắc cúm, biến chứng cúm và bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng. Tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng cho trẻ từ 6 tháng tuổi, tiêm nhắc hàng năm. Vắc xin phòng cúm mùa dự kiến triển khai từ năm 2030 tại 20 tỉnh/thành phố.
Riêng đối với vắc xin HPV, hiện tại, Bộ Y tế đã mở rộng chỉ định tiêm vắc xin Gardasil 9 ngừa HPV cho người 27-45 tuổi, áp dụng từ ngày 10/5. Theo đó, thay vì giới hạn 9-26 tuổi như trước, Bộ Y tế cho phép người từ 27 đến 45 tuổi có thể tiêm vắc xin HPV, không bắt buộc phải có sự tham vấn y khoa.
Gardasil 9 là vắc xin được chỉ định cho bé gái và phụ nữ từ 9 đến 45 tuổi để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và hậu môn; các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản; mụn cóc sinh dục gây ra bởi Human Papilomavirus (HPV). Vắc xin này cũng được chỉ định cho bé trai và nam giới từ 9 đến 45 tuổi để phòng ngừa ung thư hậu môn, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản hậu môn; các tổn thương bộ phận sinh dục ngoài (bao gồm cả mụn cóc sinh dục) gây ra bởi HPV.
Sẽ sớm đưa vắc xin ngừa HPV và phế cầu vào tiêm chủng mở rộng
Mới đây, nhân dịp tham dự khóa họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới, PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, thứ trưởng Bộ Y tế và Đại sứ Mai Phan Dũng, trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hiệp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva đã có buổi làm việc với bà Aurelia Nguyen, giám đốc Chương trình của GAVI, để thảo luận về các hỗ trợ hiện tại và tương lai cho Việt Nam trong Chiến lược viện trợ các quốc gia có thu nhập trung bình trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã đánh giá cao những đóng góp của GAVI và cá nhân bà Aurelia Nguyen đối với công tác tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Đối với viện trợ vắc xin ngừa tiêu chảy do vi rút Rota, Bộ Y tế sẽ sớm tiếp nhận vắc xin hỗ trợ và cùng với vắc xin Rotavin sản xuất trong nước triển khai sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi trong quý 4-2024.
Phía GAVI cũng thông báo sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ triển khai hai vắc xin mới cho Việt Nam là vắc xin phế cầu và vắc xin ngừa HPV phòng ung thư cổ tử cung. Thứ trưởng Hương đã yêu cầu Chương trình tiêm chủng mở rộng Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất GAVI hỗ trợ triển khai vắc xin phế cầu cho trẻ em dưới 1 tuổi và vắc xin phòng ung thư cổ tử cung cho trẻ em gái từ 11 tuổi gửi GAVI trong tháng 9 năm nay.
Tác giả bài viết: Thanh lê ( tổng hợp)
Nguồn tin: OA BỘ Y TẾ
Ý kiến bạn đọc