Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới

Thứ hai - 17/06/2024 15:31 152 0

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết 29), giáo dục và đào tạo nước ta đã thể hiện sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, nòng cốt là đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

 

Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu địa phương diễn ra Chiều 18/8/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Quang cảnh Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2022-2023 và chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các điểm cầu địa phương diễn ra Chiều 18/8/2023. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

NHỮNG CHUYỂN BIẾN TÍCH CỰC

Thiết thực triển khai Nghị quyết 29, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết kịp thời, nghiêm túc với nhiều hình thức đa dạng, thiết thực. Nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo có chuyển biến rõ nét. Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện được ban hành tương đối toàn diện, bao quát. Thể chế, chính sách tiếp tục được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho đổi mới giáo dục và đào tạo; tăng cường phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình.

Hệ thống giáo dục quốc dân từng bước được hoàn thiện theo hướng mở, xây dựng xã hội học tập; quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của người dân; cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được củng cố, duy trì và từng bước đạt chuẩn ở mức độ cao hơn.

Chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng và triển khai theo hướng chuyển quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực người học; một chương trình nhiều sách giáo khoa; xã hội hóa trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa bước đầu chuyển biến; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn có chuyển biến rõ nét, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức; các phong trào thi đua học tập trong nhân dân, công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập được quan tâm thực hiện.

Song song với đó, giáo dục nghề nghiệp phát triển về số lượng và chú trọng nâng cao chất lượng theo hướng gắn với thị trường lao động. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2013-2023 đạt khoảng 21 triệu người, trong đó tuyển sinh trình độ cao đẳng đạt khoảng 2,41 triệu người (11,35%), trình độ trung cấp đạt khoảng 2,86 triệu người (13,51%).

Đổi mới giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học gắn với tăng cường tự chủ đã tạo chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực. Số lượng tuyển sinh giai đoạn 2013-2023 đạt xấp xỉ 2,1 triệu sinh viên đại học (tăng từ 186 lên 210 sinh viên/một vạn dân) và 120.000 học viên sau đại học.

Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực châu Á và thế giới. Trước năm 2013, cả nước chưa có cơ sở giáo dục đại học nào được xếp hạng trong các bảng xếp hạng đại học khu vực và quốc tế; đến nay Việt Nam đã 3 cơ sở giáo dục đại học trong nhóm 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới; 5 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới năm 2024 của Tổ chức xếp hạng QS (Quacquarelli Symonds, Vương Quốc Anh); 9 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE) và 15 cơ sở giáo dục đại học trong bảng xếp hạng 800 đại học hàng đầu châu Á của QS.

Phương pháp dạy - học và công tác thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục được đổi mới theo hướng hiện đại, trong đó, thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, giáo dục nghề nghiệp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, cơ bản khắc phục tình trạng học lệch, học tủ và giảm áp lực, tốn kém cho xã hội.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống và giáo dục thể chất cho học sinh, sinh viên đi vào nền nếp; giáo dục kiến thức quốc phòng, an ninh cho học sinh viên, sinh viên được chú trọng hơn; sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên được tăng cường. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai trong toàn ngành Giáo dục.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa, từng bước đảm bảo số lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy - học được nâng cấp, bước đầu đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.

NHỮNG ĐIỂM NGHẼN CÒN TỒN TẠI

Bên cạnh những chuyển biến tích cực trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được xác định tại Nghị quyết 29, cũng cần thẳng thắn đánh giá những hạn chế, tồn tại của giáo dục và đào tạo ở nước ta. Đó là, một số cấp ủy, chính quyền địa phương và người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ đổi mới giáo dục và đào tạo. Công tác kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Hoạt động truyền thông về đổi mới giáo dục và đào tạo còn hạn chế. Việc thể chế hóa Nghị quyết 29 còn chậm, thiếu đồng bộ và liên thông giữa các chính sách mới về giáo dục, đào tạo với các chính sách liên quan. Cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển giáo dục, đào tạo chưa thể hiện đầy đủ quan điểm “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”.

Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo thiếu thống nhất, đồng bộ với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương chưa tham gia nhiều trong việc thẩm định, phân bổ kinh phí và tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức lĩnh vực giáo dục, đào tạo; thực hiện tự chủ trong các cơ sở giáo dục, đào tạo gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông phân bố chưa hợp lý ở một số địa phương, vùng, miền; tình trạng thiếu trường, lớp ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi chưa được giải quyết. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chậm ban hành và triển khai thực hiện.

Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành chậm 2 năm, chưa hoàn thành mục tiêu miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi trước năm 2020. Triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới thời gian đầu còn lúng túng; chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo còn bất cập; chưa hoàn thành mục tiêu thực hiện giáo dục bắt buộc 9 năm từ sau năm 2020. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học chưa đáp ứng yêu cầu nhân lực cho các ngành kinh tế mới, công nghệ cao trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng. Công tác đào tạo chưa gắn kết chặt chẽ, thường xuyên với yêu cầu, nhu cầu xã hội. Quy mô đào tạo sau đại học, nhất là các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và công nghệ rất thấp.

Cơ cấu, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông bất cập, còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ; chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền. Một bộ phận nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục thụ động, ngại đổi mới, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Lương của nhà giáo chưa đáp ứng mục tiêu trong Nghị quyết 29.

Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục chưa bảo đảm tối thiểu 20% trong tổng chi ngân sách nhà nước; đầu tư cho giáo dục đại học còn rất thấp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục, đào tạo; tỷ lệ phòng học chưa kiên cố hóa còn cao, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng chưa đủ hấp dẫn thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo.

Học sinh Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học & THCS Dế Xu Phình, huyện Mù Cang Chải đọc sách trong thư viện.

ĐỂ GIÁO DỤC VIỆT NAM ĐẠT TRÌNH ĐỘ TIÊN TIẾN CỦA KHU VỰC CHÂU Á NĂM 2030 VÀ CỦA THẾ GIỚI VÀO NĂM 2045

Trong giai đoạn mới, để tiếp tục kế thừa các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 29, phát triển mạnh giáo dục, đào tạo, phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045, giáo dục và đào tạo Việt Nam cần tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đối với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý và đội ngũ nhà giáo trong cả nước về tầm quan trọng của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong bối cảnh hiện nay. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt đầy đủ, sâu sắc quan điểm giáo dục và đào tạo là “quốc sách hàng đầu”, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân, đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tạo nền tảng thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị tạo sự tin tưởng, đồng thuận, thống nhất trong triển khai nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.

Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển giáo dục; xây dựng Luật Nhà giáo, Luật Học tập suốt đời; sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Chú trọng sự đồng bộ giữa các chính sách tài chính, đầu tư, đấu thầu, quản lý và sử dụng tài sản công, ứng dụng khoa học và công nghệ có tính nền tảng, ưu tiên, phát triển giáo dục mở và chuyển đổi số; chính sách xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư góp phần hỗ trợ khu vực công thực hiện mục tiêu giáo dục, đào tạo; chính sách tiền lương và ưu đãi khác đối với nhà giáo, người học, nhân tài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

 

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, bảo đảm thống nhất với khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân. Đảm bảo ngân sách nhà nước thực chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho giáo dục bắt buộc, giáo dục phổ cập, miễn học phí cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi; ưu tiên đầu tư giáo dục, đào tạo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo; kiên cố hóa trường, lớp học, xây dựng trường chuẩn quốc gia; hiện đại hóa giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường công khai, minh bạch, thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật; kịp thời hướng dẫn xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Phát triển giáo dục - đào tạo cần có sự đổi mới, đặc biệt ở bậc đại học (Trong ảnh: Đào tạo gắn với hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tại Trường Đại học Phenikaa)_Nguồn: phenikaa-uni.edu.vn

Thứ ba, nâng cao chất lượng giáo dục, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, công bằng, bình đẳng, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho người dân nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, trình độ đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa, đa dạng hóa phương thức giáo dục và đào tạo, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người dạy, phù hợp với người học. Tổ chức thực hiện tốt chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông mới. Củng cố kết quả phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; từng bước triển khai thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 3, 4 tuổi; thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc; tăng cường giáo dục hòa nhập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đẩy mạnh phân luồng trong giáo dục phổ thông, tăng số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông vào giáo dục nghề nghiệp và làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp, tư vấn học đường cho thanh niên ngay từ cấp học phổ thông. Phát triển giáo dục thường xuyên đa dạng về nội dung và hình thức đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Giảm tỷ lệ mù chữ ở người lớn vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, kỹ năng sống, giáo dục quốc phòng, an ninh theo hướng quan tâm giáo dục cho học sinh, sinh viên lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng cống hiến phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục học sinh, sinh viên góp phần xây dựng văn hóa học đường, xây dựng xã hội hạnh phúc.

Chuẩn hóa, hiện đại hóa giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hội nhập quốc tế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao, công nghệ mới, công nghệ phụ trợ chủ lực gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững đất nước. Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại ngành nghề phù hợp cho lực lượng lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học, nhất là các đại học trọng điểm quốc gia tăng cường hoạt động giảng dạy gắn với nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; triển khai các hoạt động đào tạo kiến thức, kỹ năng về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục và đào tạo. Tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học, cao đẳng tương đương với mức trung bình của các nước trong khu vực Đông Nam Á; có cơ chế, chính sách đột phá để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm và các trường đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Rà soát, sắp xếp, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông đảm bảo đủ trường, lớp học, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư và miền núi. Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp bảo đảm hiệu quả, phù hợp với mục tiêu phát triển vùng, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Phát triển các phương thức giáo dục, đào tạo mở, các nền tảng dạy và học trực tuyến mở, học liệu mở trực tuyến.

Thứ tư, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo các cấp học về trình độ đào tạo, bảo đảm đủ số lượng, cơ cấu theo định mức quy định. Chú trọng việc rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, năng lực sư phạm cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học.

Thực hiện tốt việc liên kết giữa trường sư phạm với địa phương trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo phù hợp với nhu cầu thực tiễn; đồng thời, nghiên cứu cơ chế, chính sách điều động, luân chuyển, liên thông giáo viên giữa các địa phương để giải quyết căn bản tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách phát hiện, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ và trọng dụng nhân tài làm việc trong ngành Giáo dục; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng. Phát huy dân chủ, tôn trọng tự do sáng tạo, chuyên môn học thuật, đề cao đạo đức, trách nhiệm của nhà giáo.

Thứ năm, đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

Đổi mới chính sách về hợp tác và đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nhất là với các đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư, các cơ sở giáo dục, đào tạo trong nước và nước ngoài tận dụng cơ hội từ việc tham gia các hiệp định thương mại đa phương, song phương để đẩy mạnh hoạt động hợp tác, hội nhập quốc tế về giáo dục, đào tạo của Việt Nam trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, luật pháp Việt Nam.

Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh, sinh viên, từng bước ưu tiên đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để thu hút, sử dụng chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài về giảng dạy, nghiên cứu và làm việc tại các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước; khuyến khích, thu hút học sinh, sinh viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam. Tiếp tục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, nhất là đào tạo giảng viên trình độ tiến sĩ và chuyên gia các ngành kỹ thuật, công nghệ mũi nhọn một cách thiết thực, hiệu quả. Thực hiện tốt chủ trương dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam; khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước; góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.

Theo Bảng xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 (công bố năm 2022), Việt Nam xếp thứ 59 thế giới (tăng 5 bậc so với năm trước). Kết quả PISA chu kỳ 2018, về lĩnh vực Khoa học đứng thứ 4/79 quốc gia tham dự (tăng 4 bậc so với chu kỳ năm 2012), về lĩnh vực Đọc hiểu đứng thứ 13/79 quốc gia tham dự (tăng 06 bậc so với chu kỳ năm 2012).

Trong giai đoạn 2013 - 2023, các đoàn học sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đạt 396 huy chương (chiếm tỷ lệ 99% số học sinh tham gia dự thi đoạt giải). Trong đó, có 120 Huy chương Vàng, 154 Huy chương Bạc, 96 Huy chương Đồng và 26 Bằng khen.

 

TS. Lê Thị Mai Hoa
TS. Nguyễn Thanh Hà

Ban Tuyên giáo Trung ương

Tác giả bài viết: QUỐC DŨNG (Tổng hợp)

Nguồn tin: tuyengiao.vn:

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HƯỚNG DẪN DVC TRỰC TUYẾN
GÓP Ý VĂN BẢN DỰ THẢO
GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
OCOOP TÂY NINH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

dịch vụ công bộ công an
VĂN BẢN MỚI
AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG
FORM.GOV
BỘ PHÁP ĐIỂN
BẢN DỒ DU LỊCH TÂY NINH
CỔNG DỰ LIỆU QUỐC GIA
BAN CHỈ ĐẠO CCHC CHÍNH PHỦ
CÔNG BÁO
CÔNG BÁO TỈNH TÂY NINH
góp ý dự thảo văn bản
dvc nhà ở riêng lẻ
thông tin quy hoạch
DÁNH GIÁ CĐS DOANH NGHIỆP
ĐƯỜNG DÂY NÓNG PAKN
VEDEO PHÓNG SỰ
ngày này năm xưa
LÀNG SỐ
THAM VẤN KINH DOANH
Hệ thống đo tốc độ truy cập internet
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập58
  • Hôm nay1,315
  • Tháng hiện tại51,515
  • Tổng lượt truy cập1,254,775
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây