Kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng

Thứ năm - 14/11/2024 15:32 28 0

Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm báo cáo khái quát tình hình hoạt động Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương và tình hình triển khai việc chia sẻ, kết nối, tích hợp thông tin giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương. Trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng

BÀI PHÁT BIỂU CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC CỔNG TTĐT CHÍNH PHỦ TẠI HỘI NGHỊ KẾT NỐI THÔNG TIN CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG VỚI CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ CÁC BỘ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2024

Kính thưa đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ

Kính thưa đồng chí Bùi Hoàng Phương, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Kính thưa đồng chí Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm – Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ
Kính thưa đồng chí Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội,
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý,
Thưa toàn thể các đồng chí,

Lời đầu tiên tôi xin nhiệt liệt chào đón và cảm ơn các đồng chí đã thu xếp thời gian, công việc, không quản ngại đường xá xa xôi, từ mọi vùng miền của Tổ quốc có mặt đông đủ tại Hội nghị hôm nay.

Được sự đồng ý, giúp đỡ của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức “Hội nghị Kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các Bộ, ngành, địa phương năm 2024”. Đây là Hội nghị quan trọng nhằm triển khai Nghị định 42/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2022 quy định việc cung cấp thông tin của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Sau đây tôi xin báo cáo khái quát tình hình hoạt động Cổng TTĐT Chính phủ, Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương và tình hình triển khai việc chia sẻ, kết nối, tích hợp thông tin giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương:

1. Vị trí, chức năng, nhiệm vụ của Cổng TTĐT Chính phủ

Hiện nay, Cổng TTĐT Chính phủ đang thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cổng TTĐT Chính phủ là cơ quan tích hợp thông tin hành chính điện tử và cơ quan thông tin truyền thông đa phương tiện của Chính phủ, có chức năng bảo đảm thông tin thông suốt phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cổng TTĐT Chính phủ có hệ thống cơ sở dữ liệu lớn nhất trong hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước. Lượng người truy cập vào Cổng TTĐT Chính phủ nằm trong top 10 các website bằng tiếng Việt có nhiều người truy cập; đứng đầu trong các tờ báo chính trị ở Việt Nam. 

Cổng TTĐT Chính phủ thực hiện truyền thông về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, về các cơ chế, chính sách, tác động thiết thực với đông đảo các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp. Chung tôi tổ chức truyền thông những nội dung có ảnh hưởng tới đời sống người dân, Chúng tôi cập nhật những thông tin, dữ liệu chính thống một cách nhanh nhất, chính xác nhất, liên tục 24/7, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết. 

Hệ sinh thái của Cổng TTĐT Chính phủ rất đa dạng và đa nền tảng. Trên nền tảng web, hệ sinh thái truyền thông của Cổng TTĐT Chính phủ đang vận hành gần 40 chuyên trang và sản xuất nội dung với 3 ngôn ngữ Tiếng Việt, Tiếng Anh, Tiếng Trung. Bên cạnh nền tảng web, Cổng TTĐT Chính phủ đã chủ động cung cấp  thông tin trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo,… về chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, đang đi đầu trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Fanpage “Thông tin Chính phủ” hiện đang có hơn 5,4 triệu người theo dõi thường xuyên, số lượng người truy cập hằng ngày từ 15-20 triệu lượt, có ngày cao điểm lên đến 30 triệu lượt. Bên cạnh đó, Kênh YouTube Thông tin Chính phủ có gần 300 nghìn người theo dõi với gần 7 triệu view hằng tháng, nhiều video đạt trên 1 triệu lượt xem/video. Các trang thông tin trên Zalo nhận được sự quan tâm theo dõi của hơn 10 triệu tài khoản, trung bình hằng tháng có 2,3 triệu lượt người tiếp cận thông tin. Kênh thông tin Chính phủ trên Viber có hơn 166 nghìn thành viên. Trên 02 kho ứng dụng điện thoại lớn nhất thế giới hiện tại là Appstore và CH Play, Cổng TTĐT Chính phủ cũng đang vận hành 02 ứng dụng là Chinhphu.vn và Báo Điện tử Chính phủ.

Những thông tin trên Cổng TTĐT Chính phủ luôn là những thông tin chính thống, chính xác, có trọng tâm trọng điểm, có bản sắc, có tính dẫn dắt, định hướng đối với báo chí và dư luận; là nơi đầu nguồn phát ra những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết thông tin về chính sách, pháp luật, thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ đều được các cơ quan báo chí trung ương, địa phương khai thác, đăng tải.

Những thông tin trên hệ sinh thái Cổng TTĐT Chính phủ được bạn đọc đón nhận, chia sẻ, từ đó lan tỏa thông tin chính thống, tích cực đến đông đảo người dân, doanh nghiệp cả trong và ngoài nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Về tình hình hoạt động của Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương:

Qua kết quả khảo sát 89 Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương, phần lớn Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. 

Hiện có 04 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 01 cơ quan thuộc Chính phủ và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng Cổng dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh. Tổng số trang/cổng thông tin điện tử thành phần của các Bộ, ngành, địa phương là 5.635. Có 57 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai Cổng TTĐT đến cấp quận huyện (trong đó có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã triển khai đến cấp xã, phường).

Có 43 Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã kết nối, tích hợp đầy đủ với trang/cổng thông tin điện tử thành phần. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin trên các nền tảng Facebook (64 đơn vị), YouTube (25 đơn vị) và Zalo (45 đơn vị). 

Trong quá trình nâng cấp, phát triển, phần lớn Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng làm SEO để hỗ trợ các công cụ tìm kiếm thông tin (index) (60 đơn vị), đồng thời cung cấp công cụ tìm kiếm theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP (87 đơn vị). Có 66 đơn vị đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hồ sơ đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ cho Cổng TTĐT. Tất cả các hệ thống Cổng TTĐT đều được bảo vệ bởi ít nhất một trong các giải pháp an toàn, an ninh thông tin và hầu hết đã được kiểm tra an toàn an ninh thông tin trước khi đưa vào sử dụng.

Qua khảo sát, hiện nay các Bộ, ngành, địa phương sử dụng các công nghệ khác nhau để xây dựng Cổng TTĐT và được nâng cấp, phát triển chủ yếu trong giai đoạn 2019 – 2023. Tuy nhiên, vẫn còn một số đơn vị, hệ thống Cổng TTĐT được nâng cấp, phát triển cách đây đã lâu (2014, 2015).

*) Về khó khăn, vướng mắc của Bộ, ngành, địa phương khi triển khai Nghị định số 42/2022/NĐ-CP: Qua khảo sát, các Bộ, ngành, địa phương chủ yếu gặp những khó khăn, vướng mắc như sau:

(1) Thời gian nâng cấp, phát triển Cổng TTĐT hoàn thành trước khi Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ban hành nên Cổng TTĐT chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí theo Nghị định này (cũng như quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BTTTT).

(2)  Khối lượng công việc cần triển khai để đáp ứng yêu cầu tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP là rất lớn trong khoảng thời gian ngắn dẫn tới khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện.

(3) Quy định về trang thành phần của Cổng TTĐT và việc sử dụng tên miền cho các trang thành phần chưa rõ trong Nghị định số 42/2022/NĐ-CP.

(4) Việc cung cấp thông tin trên môi trường mạng được quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ chưa có Thông tư hướng dẫn cụ thể, do đó khó khăn cho việc áp dụng. Chưa có cơ chế, hướng dẫn nào rõ ràng, cụ thể trong việc chi kinh phí thù lao, nhuận bút đối với việc xây dựng nội dung dành cho Cổng TTĐT.

(5) Khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng CNTT cũ, lạc hậu, xin kinh phí để nâng cấp, phát triển Cổng TTĐT.

(6) Dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin các ngành, lĩnh vực vẫn còn rời rạc, phân tán, trùng lặp, chưa có sự liên kết và thống nhất; các căn cứ pháp lý về việc sử dụng dữ liệu trong các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành trong chia sẻ, cung cấp và công bố cho người dân, doanh nghiệp chưa cụ thể nên khi triển khai chưa có cơ sở thực hiện.

(7) Các đơn vị đang có trang/cổng thông tin độc lập được xây dựng nhiều công nghệ khác nhau nên khi nâng cấp phải làm mới toàn bộ Cổng TTĐT.

(8) Số lượng trang thành phần nhiều, gây khó khăn trong quá trình thiết kế giao diện, lưu trữ thông tin, cũng như công tác quản trị vận hành của Cổng TTĐT tỉnh khi triển khai đến cấp xã, phường. Chưa xác định nội dung cụ thể Cổng TTĐT của tỉnh là đầu mối quản lý, chỉ đạo, bảo trì, nâng cấp Cổng/Trang TTĐT của các đơn vị trên địa bàn tỉnh.

(9) Trong giai đoạn hiện nay hoạt động chuyển đổi số diễn ra sôi động, Cổng TTĐT các tỉnh cần được phát triển theo hướng chuyển đổi số, rất cần có định hướng chung từ phía Chính phủ để Cổng TTĐT các tỉnh hoạt động hiệu quả phù hợp với xu hướng thời đại.

(10) Chưa có hướng dẫn về việc triển khai kết nối, tích hợp thông tin, dữ liệu giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương.

3. Tại sao phải triển khai kết nối, tích hợp thông tin giữa Cổng TTĐT Chính phủ với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương

a) Cơ sở pháp lý:

*) Đối với Cổng TTĐT Chính phủ:

- Quyết định số 06/QĐ-TTg quy định: “Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là cơ quan tích hợp thông tin hành chính điện tử và cơ quan thông tin truyền thông đa phương tiện của Chính phủ, có chức năng tổ chức, quản lý và công bố các thông tin chính thức của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; đầu mối kết nối mạng thông tin hành chính điện tử của Chính phủ”

Và tại khoản 3, Điều 6 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP nêu rõ: “Cổng Thông tin điện tử Chính phủ làm đầu mối kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng; hướng dẫn nghiệp vụ, tích hợp thông tin với Cổng thông tin điện tử của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”

*) Đối với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương:

Tại khoản 3, Điều 6 Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định: “Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kết nối, tích hợp với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ”.

Ngoài ra, còn căn cứ Thông tư số 22/2023/TT-BTTT ngày 31/12/2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho cổng thông tin điện tử và trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước và một số văn bản chỉ đạo, điều hành khác.

b) Xuất phát từ thực tiễn nhu cầu tìm kiếm, tra cứu thông tin chính thống, chính xác một cách nhóng chóng, thuận tiện, đơn giản của người dân, doanh nghiệp.

4. Lợi ích của Bộ, ngành, địa phương khi triển khai kết nối, tích hợp thông tin với Cổng TTĐT Chính phủ

Thông qua việc chia sẻ, kết nối từ Cổng TTĐT Chính phủ đến Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương, thông tin chính thống về chỉ đạo, điều hành và những hình ảnh của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những chính sách, quy định mới của Nhà nước được lan tỏa nhanh chóng, kịp thời, chính xác đến đông đảo người dân, doanh nghiệp và cả kiều bào ta ở nước ngoài, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cũng nhờ việc chia sẻ, kết nối, lãnh đạo Trung ương biết được ở địa phương, thậm chí ở xã phường đang triển khai công việc như thế nào, gặp khó khăn vướng mắc gì. Có thể nói đây là kênh để lãnh đạo Chính phủ lắng nghe những phản hồi chính sách từ địa phương để từ đó kịp thời ban hành những chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, qua đó tạo sự đồng thuận xã hội. 

Người dân và doanh nghiệp có con đường ngắn nhất (thông qua Cổng TTĐT Chính phủ) tiếp cận đến các thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến được cung cấp trên Cổng TTĐT bộ ngành, địa phương.

Những vấn đề quan trọng, vấn đề nóng của Bộ, ngành, địa phương có thể chia sẻ trên Cổng TTĐT Chính phủ, qua Cổng TTĐT Chính phủ đến với hàng triệu độc giả chỉ bằng một nút nhấn. 

5. Ưu điểm của giải pháp kỹ thuật Cổng TTĐT Chính phủ xây dựng

Giải pháp kỹ thuật Cổng TTĐT Chính phủ lựa chọn để triển khai chia sẻ, kết nối, tích hợp thông tin với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương là giải pháp thông minh, linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả. Tất cả Cổng TTĐT Bộ, ngành, địa phương sử dụng cộng nghệ hiện đại hay công nghệ từ 15 năm trước đều có thể kết nối, tích hợp với Cổng TTĐT Chính phủ; đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP. Chúng tôi đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

6. Sự hỗ trợ, hướng dẫn của Cổng TTĐT Chính phủ trong quá trình triển khai kết nối, tích hợp thông tin

Cổng TTĐT Chính phủ luôn sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn, đào tạo, định hướng cho Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai chia sẻ, kết nối, tích hợp thông tin và cả các vấn đề khác như xây dựng, vận hành nền tảng mạng xã hội…

Hằng năm hay đột xuất chúng tôi sẽ mở các hội nghị, các khóa tập huấn cho các đồng chí về những kiến thức mới nhất, chia sẻ kinh nghiệm. Trong trường hợp đột xuất, các đồng chí có thể gọi tới chúng tôi bất kỳ lúc nào. Hoặc có thể tập huấn online với một vài hay nhiều đại diện của các Cổng.

Chúng ta cần gắn kết với nhau, chia sẻ và hỗ trợ nhau mỗi ngày, nhất là về công tác truyền thông trên môi trường mạng. 

Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ để mỗi bộ ngành địa phương xây dựng các tài khoản mạng xã hội, hỗ trợ để có tích xanh, hỗ trợ để vận hành và bảo đam an ninh an toàn cho hệ thống.

7. Kết quả đạt được khi triển khai kết nối, tích hợp thông tin

- Hình thành hệ thống mạng lưới Cổng TTĐT các cơ quan HCNN gắn kết, thông suốt 4 cấp chính quyền, góp phần phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp thông tin, dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến một cách công khai, minh bạch, thuận tiện, an toàn cũng như là kênh tiếp nhận, phản hồi ý kiến, góp ý từ người dân, doanh nghiệp.

- Tăng cường vị thế, vai trò của các cơ quan quản lý Cổng TTĐT các cơ quan HCNN trong đó Cổng TTĐT Chính phủ là đầu mối dẫn dắt, hướng dẫn nghiệp vụ. Đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp công tác và hoạt động của hệ thống Cổng TTĐT các cơ quan hành chính nhà nước, tận dụng được các nguồn lực về thông tin, dữ liệu, kinh nghiệm cũng như góp phần tiết kiệm chi phí cho hoạt động của Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương.

- Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT Bộ, ngành, địa phương thiết lập hệ sinh thái lớn mạnh để truyền tải thông tin chính thống về chỉ đạo, điều hành, các chính sách quan trọng, thiết thực đến người dân, doanh nghiệp.

- Các Cổng TTĐT gắn kết chặt chẽ với nhau, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, đóng góp xây dựng hệ sinh thái lớn mạnh, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp.

8. Kiến nghị, đề xuất

- Kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương quan tâm, đầu tư đúng mức để Cổng TTĐT của đơn vị hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

- Hiện nay Cổng TTĐT Chính phủ đã được đối tác VCCorp hỗ trợ xây dựng giải pháp kỹ thuật để triển khai kết nối, tích hợp thông tin với Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương. Cổng TTĐT Chính phủ mong nhận được sự phối hợp tích cực của đơn vị quản lý Cổng TTĐT các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai kết nối, tích hợp khi Cổng TTĐT Chính phủ bố trí được hạ tầng kỹ thuật để cài đặt. Chúng ta cùng nhau suy nghĩ làm gi, làm thế nào để hệ sinh thái của các cổng luôn lớn mạnh, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ được giao, trở thành công cụ hữu hiệu truyền thông về chỉ đạo điều hành  của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành địa phương. 

- Kiến nghị Bộ TTTT tiếp tục có hướng dẫn để thực hiện tốt Nghị định 42 và Thông tư 22 hướng dẫn chi tiết, có kế hoạch tập huấn để triển khai, có cơ chế chính sách ưu tiên cho những người làm công tác thông tin ở các cổng được cấp thẻ nhà báo. Kiến nghị Bộ Nội vụ có tham mưu để các cấp có thẩm quyền ưu tiên nhân sự theo chức danh nghề nghiệp cho các nhân sự làm cho các Cổng. Bộ Tài chính xem xét kinh phí đầu tư cho Công nghệ thông tin ở các Bộ ngành để có điều kiện hiện đại hóa công nghệ…

- Đề xuất các đồng chí Chánh Văn phòng các Bộ, ngành, địa phương tham mưu cho lãnh đạo thống nhất đưa các Cổng về Văn phòng để phục vụ tốt hơn cho hoạt động chỉ đạo điều hành của các đồng chí lãnh đạo và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Thực tiễn đã chứng minh, mô hình này là hiệu quả nhất, tiết kiệm nhất.

Xin trân trọng cảm ơn!

Tác giả bài viết: Thanh Lê (Tổng hợp)

Nguồn tin: baochinhphu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

HƯỚNG DẪN DVC TRỰC TUYẾN
GÓP Ý VĂN BẢN DỰ THẢO
GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
OCOOP TÂY NINH
THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

THỰC HIỆN THỦ TỤC HÀNH CHÍNH CẤP XÃ

dịch vụ công bộ công an
VĂN BẢN MỚI
AN TOÀN THÔNG TIN MẠNG
FORM.GOV
BỘ PHÁP ĐIỂN
BẢN DỒ DU LỊCH TÂY NINH
CỔNG DỰ LIỆU QUỐC GIA
BAN CHỈ ĐẠO CCHC CHÍNH PHỦ
CÔNG BÁO
CÔNG BÁO TỈNH TÂY NINH
góp ý dự thảo văn bản
dvc nhà ở riêng lẻ
thông tin quy hoạch
DÁNH GIÁ CĐS DOANH NGHIỆP
ĐƯỜNG DÂY NÓNG PAKN
VEDEO PHÓNG SỰ
ngày này năm xưa
LÀNG SỐ
THAM VẤN KINH DOANH
Hệ thống đo tốc độ truy cập internet
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập53
  • Hôm nay951
  • Tháng hiện tại51,151
  • Tổng lượt truy cập1,254,411
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây