Trong những ngày qua, tình hình dịch Covid-19 có một số diễn biến phức tạp. Theo Bộ Y tế, trong bốn ngày (từ ngày 14 đến 17/4), cả nước đã ghi nhận 3.303 ca mắc mới Covid-19, trung bình mỗi ngày có 825 ca.
Bệnh nhân nặng chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, có bệnh nền
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, thời điểm tháng 1/2023, đơn vị chỉ tiếp nhận điều trị 20 ca Covid-19; tháng 2 là 21 ca; tháng 3 là 45 ca; đến tuần đầu tiên của tháng 4 là 47 ca; tuần thứ hai của tháng 4 tăng lên 85 ca và bệnh viện đang tiếp nhận điều trị 146 ca, trong đó có 21 ca có dấu hiệu chuyển nặng. Trong số 21 bệnh nhân này, hầu hết hơn 70 tuổi và có bệnh nền kèm theo như: Đái tháo đường, huyết áp, lao, HIV, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm gan, xơ gan… Nếu không mắc Covid-19, những trường hợp này chỉ nhiễm cúm cũng nguy cơ cao bệnh tiến triển nặng.
Còn tại Hà Nội, theo Sở Y tế thành phố, từ ngày 12/4 đến nay, trung bình ghi nhận 96 ca/ngày. Riêng ngày 17/4 ghi nhận 98 ca tại 18/30 quận, huyện, thị xã. Số mắc tăng nên nhu cầu chăm sóc y tế cũng tăng cao, số người vào viện trung bình 30-50 ca/ngày. Số người mắc cần chăm sóc y tế chủ yếu là người cao tuổi, có bệnh lý nền, tỷ lệ trẻ em chỉ chiếm 2-6%.
Trước tình hình số ca mắc trong những ngày qua có xu hướng gia tăng, Phó Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa cho biết, Cục Quản lý khám, chữa bệnh đang phối hợp với các chuyên gia để rà soát lại hướng dẫn điều trị Covid-19. Dự kiến, trong tuần này, Hội đồng chuyên môn sẽ tổ chức họp để rà soát, cập nhật lại hướng dẫn điều trị cho phù hợp tình hình mới.
Về công tác sàng lọc tại bệnh viện, theo ông Nguyễn Trọng Khoa, hiện vẫn duy trì chủ trương sàng lọc tại các khoa nguy cơ cao, như hồi sức tích cực, lọc máu và hậu phẫu. Nếu bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng mắc Covid-19, cần xét nghiệm sàng lọc ngay để tách bệnh nhân ra khu vực riêng, tránh lây lan dịch bệnh. Cùng với đó, các bệnh viện cần tiếp tục truyền thông, nhắc nhở người bệnh, người nhà bệnh nhân và cả nhân viên y tế đều phải duy trì đeo khẩu trang trong môi trường bệnh viện.
Để bảo đảm công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu, sở y tế các địa phương phân công số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 cụ thể tới từng đơn vị; bố trí nhân lực để theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh Covid-19 khi có chỉ định nhập viện.
Cùng với đó, các đơn vị cần dự trù thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19 khi dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp. Đồng thời, triển khai tập huấn nhắc lại hướng dẫn chẩn đoán, điều trị Covid-19 cho nhân viên y tế. Đối với các ca bệnh vượt quá khả năng chuyên môn, khi chuyển viện phải hội chẩn, liên hệ với bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển và bảo đảm an toàn đối với người bệnh chuyển viện.
Gia tăng một số bệnh truyền nhiễm
Cũng trong tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 80 ca mắc tay chân miệng (tăng hơn 1,5 lần so tuần trước đó). Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 378 ca mắc tay chân miệng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có
5 ca. Ngoài ra, tuần qua cũng ghi nhận sáu ổ dịch tay chân miệng tại các huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Thanh Oai. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, thành phố có 20 ổ dịch tay chân miệng, hiện còn chín ổ dịch đang hoạt động.
Riêng tại Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) tuần qua cũng gia tăng trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Hiện tại, mỗi ngày, khoa tiếp nhận khoảng 10-15 trẻ mắc tay chân miệng khám ngoại trú và 5-7 ca bệnh đang điều trị nội trú, trong đó có một số ít trường hợp diễn biến nặng.
Bệnh tay chân miệng do virus EV71 gây nên, dễ lây và hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là trẻ mầm non, mẫu giáo rất dễ lây sang nhau. Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có biểu hiện sốt, biếng ăn, nôn trớ. Ngoài ra, sau khi sốt, các bé còn mọc các nốt ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bắp chân… Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng viêm màng não, viêm cơ tim, gây phù phổi…
Bác sĩ chuyên khoa II Trần Thị Kim Anh, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa Hà Đông) cho hay, đa số trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường có những biểu hiện bóng nước hồng ban ở lòng bàn tay, chân. Tuy nhiên, bệnh viện tiếp nhận điều trị một số trẻ mắc tay chân miệng gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo hơn, thường đã chuyển biến nặng độ 3, 4.
Ngoài các biện pháp phòng bệnh cơ bản, các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ nên chú ý nâng cao sức đề kháng cho trẻ thông qua tăng cường dinh dưỡng, có chế độ sinh hoạt, tập luyện, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học. Khi trẻ mắc bệnh cần được thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa, tránh tự điều trị theo kinh nghiệm.
Bệnh tay chân miệng do virus gây ra và chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu, hiện chủ yếu điều trị triệu chứng. Loại virus này có thể sống ở tay nắm cửa, lưu giữ trên đồ chơi, bàn học rất lâu. Bên cạnh đó, bệnh lây qua tiếp xúc giọt bắn, dịch tiết. Do đó, vệ sinh khử khuẩn là một trong những biện pháp quan trọng phòng bệnh tay chân miệng.
LƯU THU
Tác giả bài viết: Thanh lê ( tổng hợp)
Nguồn tin: nhandan.vn
Ý kiến bạn đọc